Mô hình mạ khay cấy máy của nông dân xã Tiên Thắng
Mô hình mạ khay cấy máy của nông dân xã Tiên Thắng. (Ảnh: Vũ Duyên)

Với mục tiêu đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, vừa qua, xã Tiên Thắng đã triển khai mô hình “Mạ khay máy cấy và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”. Đồng thời tiến hành tổng hợp diện tích và thực hiện ký hợp đồng sản xuất với các hộ tham gia.

Kết quả vụ chiêm xuân 2019 trên địa bàn xã Tiên Thắng diện tích gieo cấy ứng dụng tiến bộ mạ khay máy cấy đạt 63ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao trên 50ha (gồm lúa Nếp Mỹ, Nếp cô tiên, lúa J02). Riêng vùng quy hoạch sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ mạ khay máy cấy, cấy 01 giống lúa (Nếp Cô tiên), có hợp đồng tiêu thụ, tại xứ đồng Chè Le – Đồng Bầu, diện tích 20ha.

Thực tế cho thấy công tác quản lý, chăm sóc mạ tập trung nên chất lượng mạ cấy máy cơ bản đáp ứng được yêu cầu (mạ được bơm cưỡng bức trừ rầy, phòng bệnh đạo ôn…). Đặc biệt là lúa được cấy máy tập trung nên mặt bằng lúa chín khá đồng đều, rất thuận tiện cho hoạch bằng máy và tổ chức thu mua tập trung;

Cùng với sự đồng thuận của các hộ trong vùng quy hoạch, vùng quy hoạch sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ mạ khay máy cấy, cấy 01 giống lúa (Nếp Cô tiên), có hợp đồng tiêu thụ, tại xứ đồng Chè Le – Đồng Bầu, diện tích 20ha tiếp tục được triển khai, thực hiện, với sự tham gia của gần 100 hội viên hội nông dân và hộ sản xuất trong vùng tham gia.

Có thể nói, mô hình trên đã khẳng định đây là hướng đi mới góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất – gieo cấy – đến thu hoạch; hình thành những vùng sản xuất lúa chất lượng cao, có diện tích, sản lượng lớn cho tiêu dùng và xuất khẩu, sản xuất theo hướng VIETGAHP, nhằm hướng tới việc nâng cao giá trị và chất lượng của hạt gạo đối với thị trường.

Vũ Duyên