THCL - Hàng vạn m3 đất dọc sông Hồng, thuộc địa bàn thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê (Mê Linh, Hà Nội) đang bị “đánh cắp” mỗi ngày. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không hề có biện pháp ngăn chặn, xử lý? 

Xã Văn Khê (Mê Linh, Hà Nội): Ai bảo kê cho “đất tặc” -

Đại công trường khai thác đất trái phép bên bờ sông Hồng (thuộc địa bàn thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê)

Theo chân những ô tô siêu trường, siêu trọng nối đuôi nhau tung hoành trên tuyến đê tả sông Hồng (thuộc địa bàn thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê), hình ảnh đầu tiên mà PV ghi nhận được đó là một “đại công trường đang khai thác đất” với quy mô khai thác vô cùng lớn. Tại đây, hàng trăm nghìn khối đất phù xa bên bờ sông Hồng đang được “đất tặc” ngang nhiên cho phương tiện, máy móc khai thái và mang đi bán thu lời.

Bên trong công trường, cả một đoạn bờ sông Hồng (chiều dài hàng trăm mét, chiều rộng có chỗ từ 7 - 10 mét, chiều cao từ 3 - 5 mét) đang được hàng loạt phương tiện, máy móc đua nhau “băm nát” không thương tiếc…

Xã Văn Khê (Mê Linh, Hà Nội): Ai bảo kê cho “đất tặc” -

Hàng vạn m3 đất được vận chuyển đi tiêu thụ mỗi ngày, nhưng chính quyền địa phương không hề có biện pháp xử lý, ngăn chặn?

Người dân thôn Khuê Ngoại, Xã Văn Khê cho biết: Tình trạng khai thác đất, diễn ra công khai từ cuối năm 2016. Vào những ngày khô ráo, có tới hàng trăm xe ô tô đủ loại đua nhau ra vào công trường để vận chuyển đất đi tiêu thụ. Đáng nói, việc các đối tượng đua nhau “băm nát” một khúc sông Hồng đã xảy ra trong thời gian khá dài, nhưng đến nay chính quyền địa phương không hề có biện pháp ngăn chặn, xử lý?

Bà Nguyễn Thị Thành, một người dân thôn Khê Ngoại nói: “Vào mùa mưa lũ hàng năm, dọc theo bờ sông Hồng, thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất, canh tác của người dân. Tuy nhiên, không hiểu vì sao chính quyền địa phương vẫn không hề có biện pháp ngăn chặn?”.

Xã Văn Khê (Mê Linh, Hà Nội): Ai bảo kê cho “đất tặc” -

Ông Lê Ngọc Cường cũng lên tiếng: “Trước Tết, các đối tượng khai thác đất còn cho hàng loạt xe tải 3 chân, 4 chân vào vận chuyển đất mang đi tiêu thụ. Những ngày nắng, bụi bay mù mịt khắp nơi; ngày mưa thì đường lầy lội, khiến cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi người dân không thể chịu nổi, kiến nghị thì UBND xã mới cho công an vào can thiệp. Nhưng cũng chỉ là xử lý lấy lệ, rồi lại đâu vào đấy…”.

Theo ghi nhận của PV, tình trạng sông Hồng đang ngày một sạt lở vô cùng nghiêm trọng, kéo dài nhiều km, ăn sâu vào trong bãi bồi, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất, canh tác của nhiều hộ dân nơi đây.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chung, Phó chủ UBND xã Văn Khê (Mê Linh, Hà Nội) thừa nhận: “Có tình trạng nhiều đối tượng khai thác đất tại đây, vị trí khai thác do UBND huyện Mê Linh quản lý. Các đối tượng khai thác trái phép hầu hết là người địa phương, họ thường hoạt động lén lút, chủ yếu về đêm”.

Khi đặt câu hỏi "là cơ quan quản lý địa bàn, chính quyền xã Văn Khê đã có biện pháp xử lý như thế nào; báo cáo huyện ra sao?", ông Chung trả lời: “Xã đã phát hiện sự việc từ trước Tết, đồng thời đã xử lý một số trường hợp”.

Xã Văn Khê (Mê Linh, Hà Nội): Ai bảo kê cho “đất tặc” -

Câu trả lời của vị Phó chủ tịch xã Văn Khê cho thấy, chính quyền địa phương đang có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý. Bởi lẽ, chính quyền đã phát hiện sai phạm từ lâu, nhưng vì sao đến nay vẫn không hề có biện pháp xử lý triệt để, khiến hàng vạn m3 đất vẫn được nhiều phương tiện nối đuôi nhau vận chuyển đi tiêu thụ trong thời gian dài? Trong khi “bờ xôi ruộng mật” của người dân bị xâm hại nghiêm trọng?

Trước sự việc trên, đề nghị UBND TP. Hà Nội; huyện Mê Linh sớm vào cuộc ngăn chặn hoạt động khai thác đất trái phép, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với những cán bộ tại xã Văn Khê có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý, tiếp tay cho “đất tặc” ngang nhiên đánh cắp hàng vạn m3 đất mỗi ngày.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tuấn Ngọc – Hà Long