Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay đạt 70,9%, tương đương với mức cuối năm 2020. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD.
Nhằm đón sóng đầu tư nước ngoài, nhiều địa phương và khu công nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được đánh giá tăng trưởng tích cực và sẽ là động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.
Tuy nhiên, để các khu công nghiệp thực sự đi vào hiệu quả và thu hút doanh nghiệp chất lượng cao, giá trị lớn thì việc xây dựng hạ tầng đi kèm luôn là vấn đề rất cần quan tâm. Cụ thể, các khu công nghiệp phải có hạ tầng dành cho đời sống công nhân, hạ tầng cho vận chuyển, logistics và thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu…
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, các khu công nghiệp phải xây dựng được “hệ sinh thái” để tạo chuỗi sản xuất, tăng giá trị gia tăng và hướng đến hội nhập kinh tế, đưa sản phẩm xuất khẩu tới thị trường quốc tế.
Chẳng hạn, dù mới ở giai đoạn 1 của dự án, nhưng Khu công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) đã và đang xây dựng phát triển theo hướng là “Hệ sinh thái công nghiệp”, bao gồm đầy đủ các điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động sản xuất – làm việc – sinh sống, tối đa hóa phục vụ người lao động – công nhân viên – cán bộ quản lý chuyên gia và các đối tác đến giao dịch sản xuất – kinh doanh dịch vụ tại khu công nghiệp Hanssip.
Các nhà xưởng tiêu chuẩn được xây dựng cho thuê với các điều kiện linh hoạt và có sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức tài chính, ngân hàng ngay tại khu công nghiệp. Ngoài ra, khu công nghiệp còn tích hợp cả trung tâm logistics, trường học, phòng khám y tế, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, khách sạn…
Đặc biệt, Hanssip còn có Học viện đào tạo hướng nghiệp lao động, giúp liên kết với hàng trăm trường đào tạo nghề của Việt Nam để sớm đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước về lao động.
Tương tự, Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) cũng được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Hiện Yên Phong được coi là khu công nghiệp thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất miền Bắc với hơn 10 tỷ USD. Khu công nghiệp Yên Phong nằm trong quy hoạch Khu phức hợp Khoa học công nghệ Yên Phong, bao gồm khu công nghiệp, khu sản xuất hộ gia đình, khu văn phòng – khách sạn, khu đào tạo, khu nhà ở, khu công viên và khu thể thao…
Tại Đồng Nai, Khu công nghiệp Amata định hướng triển khai xây dựng theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, với việc khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh, tái sử dụng nước thải và “cộng sinh” doanh nghiệp để tạo mối liên kết cùng phát triển. Các doanh nghiệp cho biết, tham gia vào khu công nghiệp này đã giúp tiết giảm được nhiều chi phí trong sản xuất, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về sản xuất xanh – gia tăng cơ hội và đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn môi trường khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường “khó tính”.
Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, các khu công nghiệp đã, đang và sẽ được đầu tư phát triển cần phải tính đến việc lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp phù hợp với mục tiêu phát triển của “hệ sinh thái công nghiệp” hiện đại, thân thiện môi trường và tạo ra cuộc sống, làm việc bền vững cho người lao động. Ngoài ra, cùng với những hỗ trợ về nguồn nhân lực, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, rào cản cho những định hướng phát triển như trên là thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài làm tăng thêm chi phí và thời gian, làm giảm hiệu quả dự án. Việc giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp mới thành lập còn nhiều vướng mắc, chính sách ưu đãi đầu tư chưa đồng bộ; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt còn hạn chế…
Hoàng Thăng (t/h)