Mới đây, nhằm ưởng ứng ngày thương hiệu Việt Nam, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam. Mang trong mình nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái.

Toàn cảnh buổi Lễ kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam
Toàn cảnh buổi Lễ kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đợt suy thoái toàn cầu như dịch bệnh diễn biến phức tạp, chiến tranh tại một số nơi trên thế giới đã để lại ảnh hưởng lớn tới thương mại, kinh doanh và việc làm. Tuy khó khăn là vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đã cố gắng trụ vững mà còn có những bước phát triển tốt.

Xung quanh về chủ đề này, thương hiệu đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp. Thương hiệu giúp tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp trong tâm trí người tiêu dùng. Để có vị trí vững chắc trên bất kỳ thị trường nào, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng thương hiệu riêng cho hàng hoá của mình.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ chia sẻ, trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu thương hiệu, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đôi khi là lợi ích quốc gia.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ-Đinh Hữu Phí phát biểu tại buổi lễ
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ-Đinh Hữu Phí phát biểu tại buổi lễ.

Liên quan đến thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu, Ông Hồ Tùng Bách, đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, đối với người tiêu dùng, thương hiệu được ví như kim chỉ nam giúp người tiêu dùng phân biệt các doanh nghiệp cùng cung cấp một loại sản phẩm. Thông qua thương hiệu, người dùng có thể xác định được các thông tin như nguồn gốc, chất lượng, danh tiếng và đặc điểm riêng có của doanh nghiệp. Cũng nhờ có thương hiệu, người dùng có thể dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định mua bán hàng hoá, dịch vụ.

Đối với doanh nghiệp, thương hiệu là công cụ, là động lực, sự tự hào cho nhân viên cá nhân mỗi doanh nghiệp. Trong thời đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thương hiệu thực hiện chức năng bán hàng, tạo ra sự kết nối giữa khách hàng và nhân viên thông qua các hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, góp phần duy trì phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia-Hồ Tùng Bách phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm
Đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia-Hồ Tùng Bách phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm.

“Doanh nghiệp Việt Nam kế thừa, phát huy và đổi mới tư duy trong xây dựng và phát triển. Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp Việt Nam luôn nắm bắt được xu hướng chuyển dịch công nghệ của thị trường, và đưa ra những thay đổi quan trọng của doanh nghiệp, với mục đích nâng cao lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường”, ông Hồ Tùng Bách nói.

Theo ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP) thì “kế thừa, phát huy và đổi mới” là một bước tiến quan trọng để tạo ra sự phát triển bứt phá cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện đại, thương hiệu Việt được kế thừa những giá trị vốn có đi kèm với với sự đổi mới tư duy, như: cấu trúc sản phẩm và thương hiệu; hệ thống nhận diện mới; chiến lược sản phẩm và thương hiệu chủ lực; chiến lược mở rộng thị trường và nghiên cứu sản phẩm mới…

Nhờ có định hướng cụ thể, rõ ràng và đầu tư bài bản, nhiều thương hiệu Việt đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và giành được niềm tin của khách hàng. Đứng trước thách thức lớn của hội nhập và toàn cầu hoá, các doanh nghiệp Việt Nam  luôn phát huy thế mạnh của mình. Thực tế cho thấy, thương hiệu Việt thành công và phát triển bền vững là một mô hình hài hoà giữa 3 nhóm lợi ích: Lợi ích doanh nghiệp, lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.

Ông Nguyễn Đăng Sinh – Chủ tịch hiệp hội VATAP
Ông Nguyễn Đăng Sinh – Chủ tịch hiệp hội VATAP.

Thông qua buổi Lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam, thay mặt Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Ông Hồ Tùng Bách cũng chia sẻ thêm một số nội dung có liên quan đến quy định tại Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), bao gồm: Thứ nhất về thông tin của người tiêu dùng; thứ hai về cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; thứ ba về thực hiện cam kết của doanh nghiệp.

Qua đó, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu ngày càng nhận được được sự quan tâm và đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như hoàn thiện về mặt thủ tục pháp lý như đăng ký sở hữu trí tuệ, bản quyền,…để bảo vệ thương hiệu của mình.

Ngày thương hiệu Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp, doanh nhân nhằm mục tiêu tôn vinh “Thương hiệu Việt”, “Giá trị Việt”, nhắc nhở từng doanh nghiệp, người tiêu dùng và mỗi chúng ta trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đóng góp tích cực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đất nước.

Thuỳ Linh