Thực trạng hàng giả vẫn phức tạp
Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Công luận, Chủ tịch Hiệp hội VATAP, Nguyễn Đăng Sinh cho biết:
Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, tạo niềm tin đối với các nhà sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Tuy vậy, hiện nay, thực trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Nguyên nhân là do. Thủ đoạn kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng tinh vi phức tạp; hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, tại các khu chung cư cao tầng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật đang tiếp tục hoàn thiện, một số Nghị định chưa có sự thống nhất trong áp dụng xử lý cũng như xác định hành vi vi phạm dẫn đến lúng túng cho các lực lượng chức năng trong công tác thực thi pháp luật.
Việc chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa tạo sự đồng thuận trong phối hợp của các ngành chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.
Kinh phí phục vụ trong công tác điều tra, xác minh, giám định, xử lý các vụ việc buôn lậu, GLTM và hàng giả của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc kéo dài thời gian xử lý vụ việc.
Lực lượng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu cũng như trang thiết bị, phương tiện còn mỏng và thiếu so với thực tế tình hình hoạt động buôn lậu, hàng giả và GLTM ngày càng tinh vi, phức tạp...
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, của mình, Hiệp hội VATAP luôn bám sát những nội dung chỉ đạo của Chính phủ để định hướng trong mọi hoạt động. Đến nay, đơn vị đã chuyển hàng trăm hồ sơ về hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp hội viên tới các cơ quan thực thi để can thiệp, xử lý những hành vi vi phạm.
Hiệp hội thực hiện những chương trình phối hợp cụ thể, thiết thực với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hội viên trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, GLTM.
Năm 2023, Hiệp hội VATAP tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Tiếp tục triển khai kế hoạch đã đề ra theo đúng tôn chỉ mục đích hoạt động của Hiệp hội. Chú trọng công tác phát triển hội viên mới.
Triển khai thực hiện các kế hoạch của BCĐ389/QG.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương có biện pháp thiết thực, phù hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng xác định hàng thật, hàng giả, cung cấp thông tin để lực lượng thực thi phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các mặt hàng như phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm.
Đơn vị thường xuyên bám sát các doanh nghiệp hội viên, nắm bắt thông tin, kịp thời đưa ra các giải pháp, tư vấn giúp các doanh nghiệp khi sản phẩm, thương hiệu của họ bị làm giả và sâm phạm sở hữu trí tuệ.
Dự kiến, trong quý I/2023, Hiệp hội VATAP sẽ phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo về “Chuyển đổi số” - đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong việc chống làm giả để các doanh nghiệp lựa chọn.
Tăng cường phối hợp cùng các lực lượng chức năng tại các địa phương.
Ký kết quy chế phối hợp với một số Hiệp hội, ngành hàng trong công tác tuyên truyền đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng lên kế hoạch tổ chức tốt sự kiện Kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/04) và ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11).
Chung tay chống hàng giả
Chủ tịch Hiệp hội VATAP, Nguyễn Đăng Sinh nhấn mạnh:
Để chung tay đấu tranh có hiệu quả chống hàng giả, hàng nhái, Hiệp hội VATAP kêu gọi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hội viên cần tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; phải chọn giải pháp chống làm giả thông qua chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để tự bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp. Phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm, thương hiệu của mình bị làm giả, để phối hợp xử lý vi phạm.
Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức khi lựa chọn mua hàng hoá, cần biết rõ về xuất xứ hàng hoá được thể hiện trên bao bì, tem nhãn hay mã vạch QR hoặc các thông tin trên nền tảng chống hàng giả kỹ thuật số và khi mua hàng phải có hoá đơn chứng từ rõ ràng.
Trước tiên, các doanh nghiệp cần đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa của mình và đăng ký kinh doanh theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đối với hình thức kinh doanh thương mại điện tử cũng phải được đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Các doanh nghiệp cần cung cấp thông tin tới cơ quan chức năng và Hiệp hội khi phát hiện hàng hóa của mình bị làm giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ để cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời.
Chủ động khiếu nại khi bản quyền sở hữu trí tuệ của mình bị vi phạm. Đây cũng chính là nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp, giúp các lực lượng chức năng dễ dàng hơn trong việc kiểm soát nguồn hàng và đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.
Doanh nghiệp cần thông tin cho người tiêu dùng biết về những đặc điểm riêng biệt của sản phẩm. Tăng cường công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, chủ động trong việc chống hàng giả, hàng nhái.
Hiệp hội VATAP cũng kêu gọi các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình, bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa đã công bố; chịu trách nhiệm trước pháp luật sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất, kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu.
Nguyễn Kiên