THCL  Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn yêu cầu giám đốc sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trên cả nước báo cáo tình hình tiền lương năm 2016 và kế hoạch thưởng Tết năm 2017.

Xây dựng phương án hỗ trợ người lao động - Hình 1

Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ yêu cầu các sở LĐ-TB&XH chỉ đạo bộ phận chuyên môn đề nghị doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ người lao động các khoản trợ cấp, phụ cấp. 

Đối với phương án tiền thưởng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động được biết.

Bốn nhóm doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch lương, thưởng Tết Âm lịch Đinh Dậu 2017, gồm: Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu; doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp FDI.

Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp thưởng tết nên thưởng bằng tiền mặt, bởi người lao động có thu nhập thấp chiếm đa phần và ai cũng đều mong muốn có khoản thưởng vào cuối năm để có chi phí sắm sửa Tết cho gia đình.

Yêu cầu các địa phương khảo sát về tình hình tiền lương, nợ lương năm 2016 và kế hoạch thưởng Tết cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn và gửi báo cáo về Bộ trước 31/12.

Theo số liệu khảo sát của 63 tỉnh, thành phố tại 13.178 doanh nghiệp với 2,4 triệu người lao động cho thấy, tiền thưởng Tết Nguyên đán năm 2016, bình quân khoảng một tháng lương, (tương ứng 5,53 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với thưởng Tết Nguyên đán 2015). 

Trong đó, mức thưởng Tết cao nhất là 624 triệu đồng, thuộc doanh nghiệp FDI ở Hải Dương. Mức thưởng thấp nhất là 40.000 đồng, của doanh nghiệp FDI ở Bình Phước.

Khảo sát cho thấy, mức thưởng Tết Dương lịch năm 2016 có 72% số doanh nghiệp báo cáo có tiền thưởng Tết Dương lịch, với mức thưởng bình quân khoảng 1,18 triệu đồng/người (tăng 1,6% so với năm 2015).

Trong đó, người có mức thưởng cao nhất là 2,028 tỷ đồng/người tại một doanh nghiệp FDI ở TP. Hồ Chí Minh. Người có mức thưởng thấp nhất là 24.000 đồng/người, thuộc về doanh nghiệp FDI ở Thái Bình.

Nguyễn Kiên