Theo đó, quy hoạch có mục tiêu là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để Lào Cai phát triển nhanh, bền vững và toàn diện trên các trụ cột về kinh tế, xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Nâng cao nhanh và bền vững năng lực cạnh tranh của tỉnh dựa trên thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, nông nghiệp hàng hóa là động lực. 

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết tại kỳ họp
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết tại kỳ họp. Ảnh: TL.

Trở thành cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Đến năm 2030, GRDP/người tỉnh Lào Cai phấn đấu đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP/người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao trong cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo. Đến năm 2050, xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Các nội dung cơ bản của Quy hoạch là: 1 trục động lực; 2 cực phát triển; 3 vùng kinh tế; 4 trụ cột tăng trưởng; 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trục động lực phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu; trùng với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hai cực phát triển gồm: Cực phía Bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam - Trung Quốc; cực phía Nam kết nối với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực ASEAN. Thông qua việc phát triển trục động lực sông Hồng và 2 cực phát triển, Lào Cai sẽ trở thành điểm hội tụ văn hoá, hội tụ doanh nghiệp, trung tâm kết nối khu vực và quốc tế; cụ thể là kết nối với thị trường Tây Nam - Trung Quốc.

Nguyễn Mạnh