Tổ công tác đặc biệt phía nam của Bộ Công Thương vừa có báo cáo về việc kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh tại Quận 5 và Quận 10; khảo sát, kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của chợ Hòa Bình, chợ Nguyễn Tri Phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, tại Quận 5, Tổ công tác ghi nhận việc triển khai kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó" trên địa bàn quận đã có chuyển biến rõ rệt, lượng phương tiện lưu thông trên đường đã giảm so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các khu dân cư cũng đã được siết chặt hơn và người dân cơ bản chấp hành theo yêu cầu của thành phố.

Cùng với việc siết chặt giãn cách, công tác bảo đảm an sinh xã hội như bảo đảm lương thực - thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, không để bất kỳ người dân nào thiếu ăn cũng được triển khai đồng bộ.

Xem xét, đánh giá các tiêu chí, từng bước mở lại siêu thị và chợ truyền thống
Xem xét, đánh giá các tiêu chí, từng bước mở lại siêu thị và chợ truyền thống.

Trong đó, chỉ tính riêng công tác "đi chợ hộ", về cơ bản quận đã đáp ứng được theo yêu cầu của người dân. Cụ thể, có 30.418 hộ/ 38.440 hộ dân thực hiện yêu cầu "đi chợ hộ" và mỗi ngày Quận 5 đáp ứng được 5.000/ 6.000 đơn đặt hàng. Các đơn hàng này thực hiện qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, kênh bán hàng thiết yếu của quận và tổ cung ứng 14 phường do quận xây dựng. Khi thành phố triển khai cho shipper hoạt động trở lại thì nhu cầu "đi chợ hộ" đã giảm, lượng đơn giảm còn 100 đơn/ngày.

Thông tin về kế hoạch phục hồi kinh tế sau ngày 15/9, bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND Quận 5 cho biết, UBND quận đang xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế. Giai đoạn 1, từ ngày 16/9 đến ngày 15/10, là giai đoạn thử nghiệm, sẽ ưu tiên triển khai tại các địa bàn bảo đảm đạt an toàn cao. Trong giai đoạn này, quận sẽ tổ chức khảo sát tình hình hoạt động trở lại của từng nhóm đối tượng cụ thể, nắm bắt các trở ngại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp họ từng bước tổ chức hoạt động ổn định. Ngoài ra, UBND quận sẽ tổ chức điểm bán hàng lưu động cho người dân sinh sống tại các "vùng xanh" với tần suất 1 lần/ tuần. Đồng thời xây dựng phương án tổ chức hoạt động lại một số chợ truyền thống, chợ thực phẩm có khu vực nhà lồng, khuôn viên rộng như An Đông, Hòa Bình…

Giai đoạn 2, từ ngày 15/10 trở đi, là giai đoạn người dân đã được tiêm vaccine mũi 2 sau 14 ngày có thể tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong giai đoạn này, quận sẽ tổ chức hoạt động các chợ truyền thống (chợ thực phẩm) để góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của người dân, các chợ còn lại sẽ căn cứ tình hình thực tế để triển khai phù hợp.

Về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn Quận 10, Tổ công tác ghi nhận, các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn đã phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện việc cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu.

UBND Quận 10 cũng đã thành lập Tổ hậu cần cung ứng hàng hóa cho người dân qua phương thức "đi chợ hộ" bằng hình thức đặt hàng trực tuyến. Triển khai các combo từ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn cho người dân đăng ký nhu cầu thông qua các kênh như zalo, link đăng ký... của địa phương; tổ chức bán hàng online ở 2 chợ truyền thống; tổ chức xe lưu động ở những khu vực ít siêu thị, ít cửa hàng tiện lợi... Quận 10 đã thực hiện "đi chợ hộ" cho trên 28.735 hộ.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Chủ tịch UBND Quận 10 cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, Quận 10 đang tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Đồng thời, thực hiện kế hoạch của thành phố, quận sẽ hỗ trợ về mặt tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lại vay cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh chương trình ngân hàng kết nối với doanh nghiệp bình ổn giá, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện hỗ danh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ.

Sau buổi kiểm tra thực tế, Tổ công tác của Bộ Công Thương đề nghị Quận 5 và Quận 10 xem xét, đánh giá các tiêu chí để từng bước mở cửa lại các chợ truyền thống, các siêu thị theo lộ trình an toàn.

Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn đang thực hiện "3 tại chỗ", cần nắm thông tin về nguồn cung nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, lực lượng lao động... để có kế hoạch hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tổ công tác của Bộ Công Thương đã đi kiểm tra tình hình bảo đảm an sinh xã hội sau khi nhận được phản ánh về việc người dân trên địa bàn Quận 10 không nhận được sự hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, y tế. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy vụ việc trên không đúng với phản ánh. Để khắc phục tình trạng trên, Tổ công tác đã đề xuất các địa phương thành lập đường dây nóng 24/7 để có thể kịp thời hỗ trợ người dân trên địa bàn.

Theo đánh giá chung của Tổ công tác, tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục được cải thiện. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của các đơn vị "đi chợ hộ" và đơn hàng trực tuyến của người dân. Hàng hóa, lương thực, rau quả, vật phẩm y tế thiết yếu tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi đầy đủ, giá bán ổn định, không có tình trạng tăng giá đột biến với nhóm hàng nào.

Trúc Mai