THCL - Chính sách Việt Nam sẽ ít thay đổi nhưng Biển Đông không thành điểm quan tâm.
Ngày 8/11 năm nay, cử tri Mỹ sẽ bầu ra một tổng thống mới. Cho dù ông Trump hay bà Clinton lên nắm quyền, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Hai người đại diện cho hai xu hướng về xác định vai trò của Mỹ trên thế giới. Bà Clinton đại diện cho trật tự quốc tế tự do, mà Mỹ đã dành nhiều nguồn lực đáng kể để duy trì; trong khi ông Trump lại dựa vào chính sách “ưu tiên nước Mỹ”.
Sức mạnh quân sự triển khai tại châu Á vẫn là một trụ cột cho một chính sách châu Á mới của Mỹ
Hai cách tiếp cận đều sẽ ảnh hưởng đến Xoay trục
Nếu bà Clinton giành chiến thắng, các tư tưởng dân túy của ông Trump về đối nội và đối ngoại sẽ bị “cuốn theo chiều gió”. Nhưng đảng Dân chủ với hàng chục triệu cử tri ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders sẽ buộc Hillary Clinton phải theo đuổi một nghị trình xã hội theo hướng tự do và chú trọng tới các vấn đề đối nội.
Bà Clinton hồi còn làm Ngoại trưởng đã nổi bật là một nhân vật diều hâu của chính quyền Obama sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại với sự đồng thuận của hai đảng. Can thiệp quân sự của Mỹ vẫn là một công cụ có thể chấp nhận khi cần thiết. Bà này sẽ cứng rắn hơn ông Obama trong những cuộc xung đột quốc tế.
Tình hình không đến mức tồi tệ đối với các sáng kiến mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương (TTP) và xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Ông Obama sẽ không phải quá lo ngại cho TTP hay TTIP vì trong chiến dịch tranh cử hiện nay, bà Clinton giữ quan điểm nước đôi, còn khi làm ngoại trưởng thì ủng hộ.
Donald Trump không hẳn là người theo chủ nghĩa biệt lập. Ông ta tuyên bố sẽ chi tiêu nhiều tiền hơn cho quân đội Mỹ, cứng rắn chống lại IS và các tổ chức khủng bố.
Nhưng các tuyên bố nổi tiếng của ông cho thấy các lợi ích của Mỹ sẽ được đặt ở vị trí hàng đầu. Các đồng minh châu Âu và châu Á phải đóng góp nhiều hơn vào an ninh của mình; Mỹ sẽ xem xét lại các thỏa thuận quốc tế sao cho có lợi nhất cho Mỹ.
Cả ông Trump, cũng như bà Clinton, đều hăm dọa trừng phạt Trung Quốc vì cạnh tranh không lành mạnh và “kinh tế phi thị trường”. Vào lúc gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc yêu cầu Mỹ cho hưởng quy chế phi thị trường 15 năm, đến tháng 12/2016 vừa khéo hết hạn. Sang năm, quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ có nhiều kịch hay để xem. Để ngăn chặn một kịch bản xấu, người đứng đầu chính phủ Trung Quốc đã thăm Mỹ trước thềm tuyển cử. Ngày 21/9 vừa rồi, trong một cuộc gặp tại Câu lạc bộ Kinh tế ở New York, Thủ tướng Lí Khắc Cường đã trấn an giới doanh nghiệp Mỹ. Ông nhận xét: “Với tư cách là Thủ tướng Trung Quốc, tôi có thể nói rằng bất luận là ai trúng cử tổng thống Mỹ, quan hệ Trung-Mỹ vẫn sẽ hoàn toàn ổn định và hứa hẹn”.
Nữ Tổng thống Clinton sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và địa-chính trị. Quan hệ Mỹ-Nga sẽ xấu hơn nữa nếu ông Putin tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư.
Biển Đông và quan hệ Mỹ-Việt
Nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Hillary Clinton sẽ cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, thúc đẩy vai trò của ASEAN, thách thức Trung Quốc trong việc chấp hành luật pháp quốc tế, duy trì mạnh mẽ quyền tự do hàng hải và hàng không.
Bà Clinton nhiều khả năng sẽ tiếp tục chiều hướng chính sách hiện nay của Tổng thống Obama đối với Việt Nam, nếu không nói là tích cực hơn. Nội dung chính yếu của chiến lược Xoay trục sẽ được gia cố.
Thái độ của ông Trump sẽ trái ngược đối với các cuộc xung đột khu vực không liên quan trực tiếp an ninh của nước Mỹ, như xung đột Ukraine, Biển Đông. Các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế sẽ trở nên thứ yếu.
Quan hệ Mỹ-Việt dưới thời Tổng thống Trump sẽ không có điều chỉnh đáng kể, trừ việc mỗi khi có tranh chấp thương mại liên quan đến lợi ích các nhà nông Mỹ, chính quyền Trump sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người Mỹ.
Vĩ thanh
Có quá nhiều mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của ông Trump. Cam kết của Trump “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” không thể đặt trong một môi trường chân không. Nếu nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump rút lui khỏi nhiều cam kết tại châu Á, những mối đe dọa từ châu Á có thể sẽ tiến sát đến tuyến phòng vệ từ xa của nước Mỹ ở Thái Bình Dương; với tương quan lực lượng hiện nay, Trung Quốc có thể chia đôi Thái Bình Dương và đẩy nước Mỹ về phía đông của Hawaii. Đó là chưa nói một “nước Mỹ vĩ đại” phải dựa vào một hệ thống đồng minh và đối tác toàn cầu được thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Không đợi nước Mỹ trở nên rất mạnh trở lại thì nhiều lợi ích sống còn của Mỹ đã bị thách thức.
Tuy nhiên, như Kurt Campbell đã nhận xét trong cuốn “Xoay trục” của mình, trong vòng 200 năm dính líu và can dự vào công việc châu Á, lịch sử của Mỹ “có thắng lợi và thất bại, có dứt khoát và do dự, có am hiểu sâu sắc và rập khuôn vô tích sự”. Chiến lược Mỹ ở châu Á có 4 mục tiêu nhất quán là thương mại, truyền đạo Thiên chúa, truyền bá tư tưởng dân chủ tự do, bảo vệ lãnh thổ Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương; có 3 phương tiện nhất quán là ngoại giao, kinh tế, quân sự; và có 1 phương pháp tương đối nhất quán là ngăn chặn bá quyền. Nhưng “Mỹ không nhất quán vận dụng chiến lược này”.
Chính quyền Obama trong 8 năm qua đã từng bước hoàn thiện chính sách châu Á và biến nó thành Xoay trục, có thể nhằm làm cho các bố trí chiến lược của Mỹ ở khu vực này khó bị đảo lộn, dù ai sẽ vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử ngày 8/11 tới./.
Nguyễn Ngọc Trường -Toquoc