Trong đó có việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Dù đã đạt kết quả tích cực nhưng vẫn cần tiếp tục mạnh tay ngăn chặn tình trạng đơn vị, cá nhân sở hữu số lượng lớn sim kích hoạt sẵn - mầm mống của sim rác, tin nhắn rác.

Thời gian qua, để ngăn chặn "rác" viễn thông, các nhà mạng đã ứng dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh dựa trên AI phục vụ việc đăng ký thông tin thuê bao.

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ AIHiệu quả từ ứng dụng công nghệ AI

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Dũng Thái, VNPT đã xây dựng phần mềm đăng ký thông tin thuê bao áp dụng AI nhận diện, bóc tách thông tin trên chứng minh nhân dân (thẻ căn cước công dân) và so sánh hình ảnh chụp trực tiếp người thực hiện giao kết hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung với ảnh chứng minh nhân dân (căn cước công dân) áp dụng trên toàn mạng VinaPhone từ ngày 15-7-2019, giúp bảo đảm chính xác thông tin thuê bao.

Còn Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Bùi Sơn Nam cho biết, nhà mạng này đã xây dựng phần mềm mSale áp dụng AI để tiếp nhận, giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, góp phần tăng tính chính xác thông tin thuê bao và ngăn chặn sim rác.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) yêu cầu các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông từ ngày 22-10-2019 phải áp dụng công nghệ AI trong giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, nhưng với khách hàng doanh nghiệp thì chưa áp dụng AI vì chưa có mẫu giấy đăng ký doanh nghiệp thống nhất trên toàn quốc.

Tuy nhiên, việc quản lý thuê bao di động nói chung cũng đang bộc lộ một số vấn đề và thực tế này được chỉ ra từ kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động tại 3 doanh nghiệp: Viettel, VNPT, MobiFone (Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện trong tháng 10, 11-2019). Theo đó, không ít cá nhân, doanh nghiệp sở hữu số lượng sim rất lớn.

Tại VNPT (VinaPhone) có 20 chủ thuê bao đứng tên chứng minh nhân dân (căn cước công dân) đăng ký từ 1.200 sim đến 9.600 sim di động. Viettel ký hợp đồng để 15 doanh nghiệp đứng tên sử dụng từ 10.000 sim di động trở lên, trong đó có doanh nghiệp sở hữu lượng sim rất lớn tới 88.637 số... Điều này làm dấy lên lo ngại về nạn sim kích hoạt sẵn - mầm mống của sim rác, tin nhắn rác, vẫn tồn tại.

Ðược biết, sau khi Bộ TT và TT ban hành văn bản nêu trên, các doanh nghiệp viễn thông đã tích cực tham gia mạnh mẽ vào cuộc chiến chống sim "rác". Cụ thể, các doanh nghiệp di động đã thống nhất triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc mua bán sim kích hoạt sẵn; chủ động rà soát, phát hiện và có biện pháp thu hồi sim có dấu hiệu nghi vấn là sim được kích hoạt sẵn còn lưu hành trên thị trường, hoàn thành trong tháng 9 tới.

 PV