Chiều 18/6, sau khi nghe tờ trình và thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động quảng cáo thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng hiện nay khá loạn, không được kiểm soát chặt chẽ, gây nguy hiểm cho sức khoẻ, tính mạng của người dân.
![Chính phủ đề xuất cấm bán thuốc trên mạng xã hội Chính phủ đề xuất cấm bán thuốc trên mạng xã hội](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/06/18/120240108154230-1718716988.jpg)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc dự luật đề xuất bãi bỏ một số quy định về hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, xác nhận nội dung… về thông tin, quảng cáo thuốc cần phải được tính toán cẩn trọng.
“Hiện nay quảng cáo thuốc diễn ra tràn lan, thậm chí bát nháo. Nếu bỏ xác nhận của cơ quan nhà nước rất là nguy hại, vì thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của con người. Tôi tán đồng việc này nhằm cải cách thủ tục hành chính, nhưng liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân thì cần phải cẩn trọng”, đại biểu Nga nói.
Theo đại biểu Nga, hầu hết các quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng đều có công thức chung là một người bị bệnh, được người khác (không phải là chuyên gia, bác sỹ, dược sỹ) giới thiệu, mách bảo loại thuốc này, thuốc kia tốt lắm và họ mua để sử dụng.
“Vậy mà chúng ta vẫn để các quảng cáo như thế này tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có những lúc, tôi cảm giác quảng cáo thuốc đó không khác gì quảng cáo thức ăn gia súc, hay là phân bón. Bởi vì cứ người này mách người kia là dùng cái này tốt lắm và mua dùng”, đại biểu Nga nhấn mạnh.
Góp ý về quy định đối với phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử được quy định tại Điều 42 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) cho biết, quy định này cho thấy các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua: Website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương (không được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến).
Đại biểu cho rằng, việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử cần được kiểm soát rất chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc, bên cạnh đó còn vấn đề khác như thu hồi thuốc…
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu rõ, hàng giả bán trên Internet đang là một vấn đề được phản ánh nhiều hiện nay. Do đó, lực lượng chức năng vô cùng khó khăn bởi “xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn”.
Bởi vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án luật có quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này.
Trong tờ trình thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng hoặc sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, vấn đề quảng cáo thuốc được người dân rất quan tâm nên cần kiểm soát chặt chẽ.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ. Ảnh: Quốc hội Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ. Ảnh: Quốc hội](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/06/18/z5550962857429-260af0e5e6a17443e46c3929efc68f1b-2989-1718716958.jpg)
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không để nội dung quảng cáo sai lệch thuốc, không đúng hiệu quả điều trị, không để người dân "tiền mất tật mang" do sử dụng thuốc từ quảng cáo.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường bắt giữ hàng loạt vụ việc thuốc giả, nhập lậu… Người dân muốn làm sao mua được thuốc thật, giá cả hợp lý.
Dự thảo luật bổ sung quyền phân phối thuốc đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, mở rộng nhưng cũng cần thận trọng, đảm bảo tránh độc quyền phân phối nhưng cũng cần lộ trình phù hợp.
Về kinh doanh thuốc ở thương mại điện tử, theo Chủ tịch Quốc hội, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên cần có quy định cụ thể để kiểm soát, mở rộng từng bước, thận trọng, đồng bộ với các quy định có liên quan.
Cho ý kiến về quản lý quảng cáo thuốc, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đề nghị quy định rõ, Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết để phòng tránh.
Thiên Trường (t/h)