THCL Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải y tế tại Hà Nội còn bất cập. Nhiều đơn vị không đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải…

Thống kê của Sở  Y tế Hà Nội cho thấy, trong năm 2015, lượng chất thải rắn phát sinh của các cơ sở y tế công lập khoảng 11.091kg/ngày, trong đó 9.249kg/ngày là chất thải rắn y tế thông thường, 1.842kg/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại. Các trạm y tế trung bình mỗi ngày thải ra từ 0,1-0,5kg chất thải rắn y tế nguy hại và từ 1-4kg/ngày chất thải rắn y tế thông thường.

Như vậy, tổng lượng chất thải rắn phát sinh là 13.018kg/ngày, trong đó có 11.001kg/ngày là chất thải y tế thông thường và 2.017kg/ngày là chất thải y tế nguy hại. Theo ước tính của Sở Y tế Hà Nội, đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày là 15.800kg, trong đó chất thải y tế nguy hại là 3.160kg.

Theo ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác quản lý chất thải y tế của ngành Y tế Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn do 11 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế trước đây đã xuống cấp cần đầu tư sửa chữa. 16 bệnh viện được đầu tư lò đốt chất thải rắn y tế nhưng trong quá trình vận hành lò đốt còn nhiều khó khăn do tiêu tốn nhiều nguyên liệu, hay hỏng và thường xuyên phải bảo trì. 

Trong khi đó, theo ông Dung, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất thải y tế còn hạn chế, nhiều đơn vị không đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, khu lưu giữ chất thải rắn; kinh phí cho vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; kinh phí mua hóa chất, vật tư làm sạch môi trường, mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn y tế tương đối lớn nên các đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Để từng bước khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Dung cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. 

“Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, nhân viên trong ngành về quản lý chất thải y tế. Đặc biệt, rà soát, xây dựng kế hoạch và lập dự toán kinh phí để có lộ trình đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế công lập của ngành”, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

PV