THCL Nguyên liệu cá tra xuất khẩu thiếu hụt có thể kéo dài cả năm 2017, khiến giá cá tra liên tục bị đẩy lên ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Các DN cho biết, cá tra nguyên liệu có thể bị thiếu hụt đến năm 2017
Thiếu hụt nguyên liệu
Theo các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhu cầu cá tra xuất khẩu dịp cuối năm rất lớn, đặc biệt là Trung Quốc, nhưng các DN đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu chế biến.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), số lượng cá tra giống năm nay ước đạt gần 1,4 tỷ con, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2015. Do nguồn cung thiếu, nên giá cá tra giống sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tại Đồng Tháp, đến cuối tháng 10/2016, giá cá giống đã tăng 7.000- 9.000 đồng/kg so với 3 tháng trước đó, nhưng lượng cá giống vẫn hụt 15-20% so với cùng kỳ năm trước.
Thiếu hụt nguồn cung cá giống, cùng với thời tiết thất thường cũng là những nguyên nhân đẩy giá cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh. Vasep cho biết, hiện giá cá tra nguyên liệu 22.000- 22.500 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/ kg so với tháng 9/2016. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm 2016 đến nay.
tra quá thấp, người nuôi lỗ, hết vốn, lấy đâu ra mà đầu tư”. Theo ông, số liệu mới nhất của Hiệp hội Cá tra cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, diện tích nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng hơn 2.700 ha, giảm khoảng 10% so cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với PV, ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Vasep cho biết, hiện ngành cá tra trong tình trạng “cung chưa gặp cầu”. Nhu cầu lớn, nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu khả năng kéo dài tới cả năm 2017.
Theo ông Minh, thị trường châu Á tới đây, có thể tăng gấp rưỡi thị trường Mỹ (thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam hiện nay), đặc biệt là thị trường Trung Quốc tăng rất nhanh (9 tháng đầu năm tăng gần 80%). Nhu cầu lớn, nhưng sản lượng nuôi của người dân giảm khoảng 30%, bản thân cá nuôi của DN cũng giảm.
Lãnh đạo Vasep cho hay, do thiếu nguyên liệu, trong tháng 11 này, các nhà máy chế biến cá tra giảm tới 30% công suất so với tháng trước, trong khi nhu cầu của thị trường tháng 11 trở đi tăng tới 40%.
Cẩn trọng với thị trường Trung Quốc
Theo phản ánh của một số DN thủy sản tại Cần Thơ, trong khi nguồn nguyên liệu cá tra cho chế biến bị thiếu hụt, xuất hiện hiện tượng một số hộ nuôi nhỏ lẻ bắt tay với khách Trung Quốc tìm kiếm và thu mua cá tra cỡ nhỏ 350-400 gram (thông thường cá tra phile để loại khoảng 800-900 gram/con).
Còn tại Tiền Giang, một số nhà máy chế biến nhỏ lẻ liên doanh với Trung Quốc bán cá loại 700 gram/con với lượng lớn, khiến nguồn nguyên liệu cá tra cho DN chế biến xuất khẩu bị hụt mạnh.
Theo Vasep mới đây, khi nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua cá tra từ Việt Nam theo cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch, phía Trung Quốc yêu cầu DN Việt Nam xuất qua nước này phải có chứng thư của Cơ quan thẩm quyền Việt Nam với các lô cá tra xuất khẩu. Vì thế, xảy ra hiện tượng một số cơ sở sản xuất nhỏ đã làm giả chứng thư để xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu chung của các DN khác.
Tuy nhiên, theo giám đốc một DN xuất khẩu thuỷ sản, Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn về loại cá tra 400-700 gram nguyên con và đó là nhu cầu thật, theo cách tiêu dùng của nước này. Mặt khác, giá cá tra xuất đi Trung Quốc đang cao hơn 25% so với EU, tương đương giá xuất đi Mỹ, đó cũng là điều đáng quan tâm.
Theo ông Hồ Văn Vàng, trong bối cảnh thị trường lớn nhất là Mỹ đang gặp nhiều cản trở do thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn, việc thị trường Trung Quốc tăng mạnh và giữ được như hiện nay cũng thuận lợi cho cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vàng cho rằng, cũng giống như nhiều nông sản khác, với cá tra, dù thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất lớn, nhưng bấp bênh, không bền vững.
Theo Nam Khánh (Tiền phong)