Số liệu thống kê đến 15/9 cho thấy, doanh thu xuất khẩu của 2 ngành này 15/9 đạt 48,6 tỷ USD, trong đó dệt may, xơ sợi, nguyên phụ liệu gần 30 tỷ USD, còn lại là giày dép-túi xách.
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách (Lefaso), 8 tháng năm 2024, xuất khẩu da giày-túi xách đều tăng trưởng khoảng 10%, nhiều thị trường đang hồi phục.
Tuy nhiên, sự hồi phục theo Lefaso vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch Covid-19. Thách thức lớn với doanh nghiệp hiện tại là thiếu hụt lao động. Cùng đó là chi phí sản xuất gia tăng, làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngành da giày dự báo, nếu duy trì được tốc độ phục hồi như hiện nay, dự kiến xuất khẩu ngành da giày sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm nay.
Với dệt may, liên tiếp 2 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng đều vượt 4 tỷ USD, trong đó tháng Bảy đạt 4,29 tỷ USD, sang tháng Tám đạt 4,66 tỷ USD. Với đơn hàng đã ký kết của quý III và đơn hàng đang thảo luận của quý IV đang tạo nhiều kỳ vọng về khả năng cán đích mục tiêu doanh thu 44 tỷ USD cả năm 2024.
Trong bối cảnh tổng cầu thương mại dệt may của thế giới năm 2024 vẫn giảm khoảng 3-5% so với 2023, kết quả xuất khẩu 8 tháng của dệt may Việt Nam rất đáng ghi nhận với thị phần cao nhất tại thị trường Mỹ lên tới 18,3%.
Dệt may Việt Nam cũng duy trì vị thế thứ hai tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, và ASEAN, thứ năm tại EU.
Khó khăn lớn được các doanh nghiệp dệt may nhận diện cũng giống như ngành giày dép là khó tuyển dụng lao động. Sau năm 2021 đóng cửa trên 3 tháng ở phía Nam và năm 2023 bị thu hẹp sản xuất, một lượng lao động đã dịch chuyển khỏi ngành dệt may.
Tuy vậy, khi đơn hàng 2024 quay lại, doanh nghiệp ngành may, xơ sợi đều vấp phải khó khăn rất lớn trong tìm kiếm tuyển dụng lao động dù đã nâng thu nhập lên cao hơn 15% so với 2022.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tính toán, mức thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp thuộc Vinatex vào khoảng 320-380USD/tháng/người, chi phí cho 1 lao động ở Việt Nam đã gấp khoảng 3 lần ở Bangladesh, 2 lần ở Ấn Độ và Campuchia.
Với nền chi phí như vậy, dù có đạt năng suất lao động kỹ thuật cao hơn các quốc gia cạnh tranh 20-30% thì chi phí sản xuất theo hình thức gia công đơn giản (CMT) của Việt Nam cũng không còn cạnh tranh tốt như trước.
Dù nhiều năm qua, ngành dệt may đã phải tập trung vào các sản phẩm khó, chất lượng cao, đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh để cạnh tranh tuy vậy cũng đã bắt đầu đi đến khu vực tới hạn của năng lực đáp ứng.
Đồng thời, các quốc gia khác cũng có thể sao chép cách tiếp cận này để cạnh tranh khi thị trường thu hẹp. Điển hình như mặt hàng suite nam, nữ trước đây là thế mạnh độc quyền của Việt Nam thì hiện nay Bangladesh cũng đã sản xuất với quy mô khá lớn.
Thu Trang(t/h)