Sản lượng giày dép da tháng 1 ước đạt 21,9 triệu đôi, tăng 3%. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại tháng 1 ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công Thương tương tự như ngành dệt may, các doanh nghiệp ngành da giày cũng đã và đang chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các Hiệp định thương mại mang lại nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, do tác động của dịch COVID-19, những chuỗi cung ứng mới đang được xác lập lại, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp da giày Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu da giày chỉ khoảng 20 tỷ USD, giảm 11% so với năm 2019 do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 từ cả phía cung và phía cầu.
Theo Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam mục tiêu của ngành trong năm 2021 phải đạt trên 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong năm 2020.
Bảo Lâm