Theo đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,6%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Mỹ tăng 9,5%, thị trường Nhật Bản tăng 21%, thị trường Trung Quốc giảm 15,2%. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất ở thị trường Ấn Độ với mức tăng 95,9% và giảm mạnh nhất ở thị trường Hà Lan với mức giảm 45,1%.

Thời gian vừa qua, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ thương mại toàn cầu, không chỉ với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng mà còn nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ, bền vững. Từ một quốc gia chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất và cung ứng đồ gỗ, nội thất hàng đầu thế giới.
Ngành lâm nghiệp và kiểm lâm đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản trong năm 2025 đạt 18 tỷ USD, hướng đến 25 tỷ USD vào năm 2030. Đặc biệt, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển gắn với tăng trưởng xanh, 100% diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng. Tuy nhiên, ngành gỗ đang phải đối mặt với những thách thức lớn như tiêu chuẩn xuất khẩu, chính sách áp thuế mới,…
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm nhìn nhận: Trong quý I/2025, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành lâm nghiệp (từ trồng rừng, trồng cây phân tán, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, khai thác gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản, chi trả dịch vụ môi trường rừng) về cơ bản đều đạt kết quả khả quan. Đơn cử, ngành lâm nghiệp ghi nhận nhiều kết quả tích cực với hơn 49.000 ha rừng trồng mới, tăng 12,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 4,3 triệu m3, tăng 16,6%; thu hơn 836 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng, xuất siêu đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Tuy vậy, ông Bảo cũng cho biết, qua nắm bắt tình hình thương mại thì hoạt động xuất-nhập khẩu của một số doanh nghiệp cũng có chút ảnh hưởng. Những thách thức mới đặt ra yêu cầu phải có chiến lược ứng phó kịp thời, hiệu quả.
PV (t/h)