Ngành nông nghiệp phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,2 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023.
Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì, để đạt mục tiêu trên, ngành sẽ kiểm soát và quản lý chặt chẽ gỗ nhập khẩu, đảm bảo gỗ có nguồn gốc hợp pháp trước khi chế biến, khuyến khích sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng sản xuất trong nước. Đồng thời, ngành đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở các khu vực mới có tiềm năng, tổ chức các hội chợ quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm và phát triển của thị trường quốc tế.
Ngoài ra, ngành khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ liên kết với người trồng rừng theo chuỗi sản xuất; trú trọng đầu tư, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Tổng cục Thuế tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ về hoàn thuế giá trị gia tăng được nhanh chóng, kịp thời.
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiệp hội chủ động theo dõi, tổng hợp, thu thập về tình hình chế biến gỗ và thị trường lâm sản trong nước và thế giới, kịp thời thông tin cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản biết, thực hiện.
Hiệp hội phối hợp với Cục Lâm nghiệp phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế biến, xuất khẩu lâm sản mới được ban hành.
Các quy định gỗ hợp pháp của Việt Nam, vùng địa lý nhập khẩu gỗ rủi ro về nguồn gốc và xu hướng sử dụng sản phẩm có trách nhiệm với môi trường, các rào cản kỹ thuật, cũng như quy định mới của EU về xuất nhập khẩu các sản phẩm không gây mất rừng,… cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản.
Minh An (t/h)