Theo thông tin từ Bộ Công Thương, năm 2023, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong thực hiện đa dạng hóa thị trường, tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm nên mức độ suy giảm xuất khẩu nói chung và xuất khẩu tới tới các thị trường truyền thống có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng thị trường xuất khẩu có sự khác nhau. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng (châu Phi tăng 6,4%; Một số nước Tây Âu, Đông Âu và Bắc Âu tăng 7,5%; Tây Á tăng 8,7%); đồng thời, mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp (xuất khẩu sang thị trường Mỹ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,6% trong cả năm 2023; thị trường EU thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 5,9% trong cả năm 2023; thị trường Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 3,4%...).
Trong năm 2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,78 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời, xuất siêu sang thị trường này ước đạt 83 tỷ USD giảm 12,6% so với năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 61,67 tỷ USD, tăng 6,4% (là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm), chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đồng thời, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%.
Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: EU giảm 5,9%, ước đạt 44,05 tỷ USD và xuất siêu sang EU ước đạt 29,1 tỷ USD, giảm 7,6%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 32,74 tỷ USD, giảm 4,1%; đồng thời, nhập siêu từ ASEAN 8,3 tỷ USD, giảm 37,2%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 23,49 tỷ USD, giảm 3,4%; đồng thời, nhập siêu từ Hàn Quốc 29,1 tỷ USD, giảm 23,3%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 23,47 tỷ USD, giảm 3,2% và xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 90,3%.
Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 8,7%, ước đạt 7,86 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 6,7%..., cho thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Năm 2024, Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa dư địa xuất khẩu thị trường, phát huy hiệu quả do các hiệp định thương mại tự do mang lại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với như CPTPP, EVFTA, RCEP... Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai được hoạt động xúc tiến thương mại; ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin thị trường, cơ hội giao thương nhằm tăng thị phần tại thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới còn nhiều dư địa.
Minh Anh