Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái các doanh nghiệp ồ ạt đến thăm dò, khai thác, vận chuyển đá trắng (đá khối), kéo theo hệ lụy lớn. Một trong những hệ lụy lớn là các tuyến đường liên xã, tỉnh lộ xuống cấp nghiêm trọng. Đáng nói, hầu hết những đoạn đường được trải bê-tông do người dân làm nay đã bị băm nát, gãy gập tạo vũng sâu; nhiều rãnh cống bị sập, vùi lấp. Nắng bụi mù mịt; trời mưa lầy lội, hố nước đọng sâu, trơn trượt khiến người dân đi lại cực kỳ khó khăn, nguy hiểm.
Xe chở đá rầm rộ làm nhiều tuyến đường đã bị phá hủy, xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn lớn trong giao thông của người dân
Bên cạnh đó, bãi thải từ hoạt động khai thác đá không được xử lý theo quy trình về bảo vệ môi trường; đổ thải không đúng nơi quy định khiến bùn, đất thải tràn xuống hồ nước, đồng rộng, làm một số diện tích hoa màu người dân ảnh hưởng, thậm chí bị mất trắng.
Đã có thời điểm người dân các xã Lâm Thượng, An Phú, Minh Tiến… đồng loạt ngăn cản không cho các doanh nghiệp vào thăm dò khai thác, vận chuyển đá, gây mất an ninh trật tự.
Tại huyện Lục Yên, điểm khai thác đá trắng không phép gây bức xúc kéo dài trong nhân dân là của Hợp tác xã Toàn Thắng do ông Trần Đăng Thắng (cư trú Thị trấn Yên Thế, Lục Yên) làm đại diện, tiến hành khai thác đá với quy mô lớn làm thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường tại thôn Khau Vi, xã An Phú.
Ghi nhận của phóng viên mới đây cho thấy, việc khai thác đá trắng của HTX Toàn Thắng tại thôn Khau Vi đã làm thay đổi hiện trạng đất; cả một ngọn núi đang dần biến mất; hoạt động xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm, “bức tử”, thu hẹp lòng Hồ Thác Bà. Đến nay, đá thành phẩm vẫn vô tư tập kết đồ sộ.
Hợp tác xã Toàn Thắng ngang nhiên khai thác đá trắng không phép với quy mô lớn, kéo dài gây bức búc
Nhiều người dân xã An Phú cho biết, trước đây có thể mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Nếu tình trạng khai thác đá cứ xả thải trực tiếp xuống hồ gây ô nhiễm, thì thời gian tới khó có cá để mà đánh bắt. Người dân đề nghị, chính quyền, cơ quan chức năng xử lý triệt để hoạt động khai thác khoáng sản không phép của HTX Toàn Thắng, nhất là việc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
HTX Toàn Thắng khai thác đá không phép làm thay đổi, hủy hoại tài nguyên đất, hệ sinh thái tự nhiên
Chất thải rắn ngổn ngang từ hoạt động khai thác đá không phép của HTX Toàn Thắng
Bã thải từ hoạt động khai thác đá không phép vô tư xả thải trực tiếp xuống lòng Hồ Thác Bà
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã An Phú khẳng định, việc khai thác đá không phép của HTX Toàn Thắng trên địa bàn kéo dài gây bức xúc nhân dân. Thẩm quyền của UBND xã chỉ biết “báo cáo” lên huyện để có hướng xử lý.
Tìm hiểu của phóng viên, báo cáo xử lý hoạt động khai thác đá không phép của HTX Toàn Thắng chỉ được chính quyền địa phương thực hiện trên giấy để cho có(!). Thực tế, HTX Toàn Thắng khai thác đá với vi phạm ngày càng càng lớn, tinh vi.
Cụ thể, từ tháng 1/2020, xã An Phú đã phát hiện HTX Toàn Thắng mở đường, san gạt mặt bằng, đưa máy cắt đá vào cắt đá lớp mặt hoạt động trên diện tích thửa đất 521 tờ bản đồ số 1 (tiểu khu 68, khoảnh 9, lô 1), đất do UBND xã An Phú quản lý. Ngay khi phát hiện, Chủ tịch UBND xã An Phú Phạm Văn Chinh đã có báo cáo số 09/BC-UBND gửi UBND huyện Lục Yên về hoạt động của HTX Toàn Thắng chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác, thăm dò tài nguyên khoáng sản hoặc các hoạt động khác; đề nghị UBND huyện kiểm tra, xử lý, đình chỉ hoạt động HTX Toàn Thắng.
Đá thành phẩm từ hoạt động khai thác không phép được HTX Toàn Thắng tập kết, tiêu thụ rầm rộ gây thất thoát nguồn thu ngân sách
Báo cáo thể hiện rõ việc vào cuộc kịp thời để ngăn chặn, xử lý của chính quyền địa phương. Nhưng thực tế lại một nẻo! Đơn cử, trong biên bản kiểm tra ngày 21/3/2020 của đại diện phòng chức năng, đơn vị liên quan huyện Lục Yên thể hiện rõ, HTX Toàn Thắng khai thác đá trắng trái phép diện tích khoảng 2 ha trên thửa đất 521 tờ bản đồ số 1. Tại hiện trường, HTX Toàn Thắng sử dụng 9 công nhân (5 công nhân người Việt Nam, 4 công nhân người nước ngoài), 2 máy xúc; máy phát điện; 4 máy cắt đá bằng dây kim cương, máy khoan đá; đá thành phẩm được tập kết có thể tích từ 0,2-0,4m3/viên. Ngoài ra, HTX Toàn Thắng còn xây dựng công trình nhà ở diện tích 80m2 phục vụ hoạt động khai thác. Toàn bộ hoạt động này đều không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Cứ thế, hoạt động khai thác đá trắng không phép của HTX Toàn Thắng diễn ra vô tư; còn chính quyền địa phương lại tiếp tục làm báo cáo “trên giấy”. Theo báo cáo mới đây nhất số 65/BC-UBND (ngày 2/10/20200) của xã An Phú, trong quý 3/2020, HTX Toàn Thắng vẫn có hành vi cắt xẻ đá trắng trên diện tích thửa đất 521 tờ bản đồ số 1.
Lợi nhuận thu được từ việc khai thác đá trắng là rất lớn nên HTX Toàn Thắng đã bất chấp quy định của pháp luật để trục lợi, gây lãng phí tài nguyên khoáng sản và thất thoát nguồn thu ngân sách. Vậy, giải pháp nào xử lý dứt điểm tình trạng này để nguồn tài nguyên đá trắng được khai thác hợp lý, bảo đảm an toàn, đảm bảo môi trường và chống thất thu ngân sách nhà nước, Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Hoan Nguyễn