Theo báo cáo của Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Yên Bái, trong số 7.418 thí sinh đăng ký dự thi có 3.516 là con em các dân tộc thiểu số, trong đó 4.237 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp, 2.859 thí sinh vừa thi để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh đại học. So với năm 2019 tăng 332 thí sinh, thi tốt nghiệp tăng 311 thí sinh, thi đại học tăng 111 thí sinh.
Sở Giáo dục- Đào tạo tổ chức 27 điểm thi được đặt ở 9 huyện, thị và thành phố, 337 phòng thi được chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục- Đào tạo để phục vụ cho việc thi của các thí sinh một cách tốt nhất. So với năm 2019 tăng 2 điểm thi và 17 phòng thi.
Ảnh minh họa.
Ngành Giáo dục Yên Bái dự kiến huy động trên 1.500 cán bộ, giáo viên phục vụ cho việc coi thi, tăng 100 người so với năm 2019. Yên Bái là tỉnh miền núi, kỳ thi lại tổ chức đúng vào giữa mùa mưa lũ rất nhiều bất trắc xảy ra, như sạt lở núi, tắc đường, suối lũ… Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Yên Bái với quyết tâm: Không để thí sinh bỏ thi do gặp khó khăn, thiếu thốn hay đi lại.
Từ đó tổ chức phương tiện hỗ trợ đi lại cho thí sinh ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, có 470 thí sinh cần được hỗ trợ di chuyển trong suốt quá trình dự thi, 126 thí sinh di chuyển từ khu lẻ đến điểm thi.
Các huyện do giao thông đi lại khó khăn: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trấn Yên… sẽ bố trí xe ô tô đưa thí sinh đến điểm thi. Ngoài ra lực lượng thanh niên, dân quân sẽ bố trí phương tiện đón học sinh đi muộn hoặc do bão lũ bất thường xảy ra.
Để tạo điều kiện tốt cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, Công đoàn ngành Giáo dục, UBND các huyện, thị và thành phố, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ các huyện, thị, thành phố và cán bộ, giáo viên đã tổ chức quyên góp được 200 triệu hỗ trợ thí sinh, riêng Công đoàn ngành Giáo dục hỗ trợ 85 triệu cho 425 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các thí sinh có mặt từ chiều 8/8 để làm các thủ tục thi, nếu vắng em nào do đường sá đi lại khó khăn hay nhiều lý do khác thì chính quyền địa phương và nhà trường tìm mọi cách để đưa thí sinh đến điểm dự thi.
PV