Lo sợ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona lây lan, những ngày qua, nhiều người dân Hà Nội đã ồ ạt tìm mua các loại khẩu trang y tế, kháng khuẩn... để phòng bệnh. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều đơn vị sản xuất, cửa hàng bán các loại khẩu trang đẩy mức giá bán cao hơn gấp nhiều lần so với ngày thường.

Các loại khẩu trang: 3M, N95, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn 3D của Nhật… được đẩy giá tăng lên chóng mặt. Cùng với đó, các loại khẩu trang y tế bình thường có giá 1.500 - 2.000 đồng/chiếc, thì đến nay cũng tăng giá bán lên 3.000 - 5.000 đồng/chiếc (tùy cửa hàng).

Thậm chí, tại nhiều cửa hàng đã "cháy hàng" vì lượng cầu nhiều hơn cung. Nhiều người mua sẵn sàng trả giá cao hơn và chuyển tiền luôn nhưng cũng không có hàng để bán.

theo phản ánh của người dânSản phẩm khẩu trang kháng khuẩn BH được nhiều cửa hàng bán ra thị trường với giá cao hơn gấp nhiều lần so với ngày thường

Đặc biệt, theo phản ánh của người dân, tại Hà Nội, sản phẩm Khẩu trang kháng khuẩn BH (của Công ty TNHH Bảo An) ngày thường có giá bán là 50.000 đồng/1 hộp (50 cái), nhưng đến nay, giá của sản phẩm đã lên tới 200.000 đồng/1 hộp (cao hơn gấp 4 lần).

Khi người mua thắc mắc vì sao giá Khẩu trang kháng khuẩn BH tăng cao, thì nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm này cho biết: “Do nhập khẩu từ công ty”.

Được biết, sản phẩm Khẩu trang kháng khuẩn BH do Công ty TNHH Bảo An (số 24, ngách 132/24 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) sản xuất.

theo phản ánh của người dânSản phẩm Khẩu trang kháng khuẩn BH do Công ty TNHH Bảo An (số 24, ngách 132/24 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) sản xuất.

Bên ngoài bao bì sản phẩm ghi rõ: “Sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu vải không dệt chất lượng cao, có tác dụng phòng chống dịch bệnh qua đường hô hấp, chống vi khuẩn xâm nhập, khói bụi, ô nhiễm…Che phủ miệng và lọc khuẩn, bụi bẩn khi tiếp xúc với môi trường dịch bệnh, độc hại nguy hiểm”.

Trước thực trạng nêu trên, để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, thu lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ việc giá sản phẩm Khẩu trang kháng khuẩn BH bán ra thị trường với giá cao hơn rất nhiều lần so với ngày thường.

Điều 46. Hành vi đầu cơ hàng hóa (Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

a) Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;

b) Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

c) Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 cũng quy định:

“Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30 – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Huy Trung - Quốc Trường