Bài 1: Công ty CP Mía đường Sơn La - “danh sách đen” gây ô nhiễm

Bài 2: Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La: Chưa xử lý ô nhiễm triệt để?

THCL Ô nhiễm không khí, chất thải rắn, nước thải chưa được xử lý ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La đang là vấn đề nhức nhối.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La gây ô nhiễm môi trường

Tỉnh đã hoàn thành… Bộ xác định là chưa?

Tại khoản 5, điều 1, Quyết định số 1972/QĐ-UBND ngày 09/9/2013 của UBND tỉnh Sơn La, nêu: Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg), gồm có Bệnh viện Đa khoa tỉnh;”.

Ngày 15/12/2014 Đoàn Thanh tra theo Quyết định số 1537/QĐ-TCMT ngày 01/12/2014 của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là Đoàn Thanh tra -TCMT) lập biên bản thanh tra về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với BVĐK tỉnh Sơn La; có một số nhận xét là trong hoạt động, Bệnh viện còn có các tồn tại về BVMT cụ thể:

Bệnh viện chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg.

Thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải thông thường và nguy hại chưa đúng quy định. Lưu giữ chất thải nguy hại quá 6 tháng nhưng không có văn bản báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Theo biên bản thanh tra về bảo vệ môi trường ngày 15/12/2014 của Đoàn Thanh tra – Tổng cục Môi trường, ghi nhận tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về Bảo vệ môi trường của BVĐK tỉnh Sơn La:

Chất thải nguy hại là chai lọ thủy tinh vẫn chất đống phủ bạt để ngoài trời

Về khí thải: Khí thải chủ yếu phát sinh từ lò đốt chất thải nguy hại của Bệnh viện và tủ thí nghiệm tại các khoa phòng. Do lò đốt hỏng nên Bệnh viện thực hiện đốt bằng phương pháp thủ công, khí thải không được xử lý theo đúng quy định.

Về chất thải rắn: Chất thải rắn lây nhiễm phát sinh tại Bệnh viện khoảng 85kg chất thải lây nhiễm/ngày (Chất thải sắc nhọn là 09kg; chất thải lây nhiễm không sắc nhọn và chất thải nguy cơ lây nhiễm cao là 69kg; chất thải giải phẫu là 5kg). Từ tháng 5/2014 tới nay, Bệnh viện tự đốt thủ công tại lò đốt của Bệnh viện.

Bệnh viện có 2 khu vực lưu giữ chất thải nguy hại. Khu thứ nhất chứa chất thải nguy hại có thể đem đi đốt. Khu thứ hai chứa các chai lọ chứa hóa chất (hóa chất, các chất gây độc tế bào). Tuy nhiên, kho chứa không đúng quy định, cụ thể: Cả 2 kho không có biển cảnh báo, không dán nhãn mã chất thải nguy hại. Khu vực lưu giữ chai lọ nguy hại có khoảng 2 tấn chất thải, khoảng 1 tấn đang được để ngoài trời, 1 tấn đang được để trong kho của Bệnh viện.

Năm 2014, Bộ Y tế cũng thành lập Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1447/QĐ-BYT ngày 25/4/2014; Đoàn kiểm tra - Bộ Y tế đã Biên bản kiểm tra ngày 06/11/2014 về công tác quản lý chất thải y tế, quản lý hóa chất và an toàn bức xạ trong bệnh viện đối với BVĐK tỉnh Sơn La. Có kết quả kiểm tra với một số tồn tại như sau:

Bệnh viện chưa hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, do lò đốt chất thải rắn y tế hiện đã hỏng.

Chất thải thông thường được thu gom và để ngoài trời không có mái che theo đúng quy định. Tại khoa xét nghiệm: Chưa xử lý ban đầu chất thải rắn y tế có nguy cơ lâu nhiễm cao (đĩa nuôi cấy vi sinh).

Hiện nay, chất thải rắn y tế nguy hại được Bệnh viện thuê xử lý, tuy nhiên Bệnh viện chưa có hợp đồng thuê xử lý và các đơn vị được thuê xử lý không có giấy phép hành nghề xử lý chất thải rắn y tế nguy hại.

Như vậy, hai cơ quan thuộc cấp bộ là: Bộ Y tế và Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT đều nhận xét, đánh giá: BVĐK tỉnh Sơn La chưa hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Gây ô nhiễm môi trường nước và không khí?

Tại biên bản thanh tra về bảo vệ môi trường ngày 15/12/2014 của Đoàn Thanh tra – Tổng cục Môi trường, nêu: Theo báo cáo của Bệnh viện, lượng nước sử dụng trung bình của Bệnh viện khoảng 280m3/ngày. Nước thải khoảng 220m3/ngày được thu gom và xử lý qua hệ thống xử lý nước thải có công suất 350m3/ngày.

Kiểm tra thực tế cho thấy, lượng nước thải về hệ thống xử lý rất ít. Kết quả kiểm tra tháng 1/2014 của Sở TN&MT tỉnh Sơn La cho thấy chỉ có 44,97% lượng nước thải được đưa vào hệ thống xử lý tương đương với 93,31m3/ngày đêm được đưa qua hệ thống xử lý.

Vậy, tại sao Đoàn Thanh tra - Tổng cục Môi trường chưa làm rõ nguyên nhân, lý do 55,03% còn lại lượng nước thải phát sinh tại Bệnh viên xả đi đâu mà không đưa qua hệ thống xử lý?

Ông Nguyễn Trọng Hướng - Trưởng phòng Hành chính quản trị, BVĐK tỉnh Sơn La, nói: “Rác thải y tế không thể đổ đi đâu được, chỉ xử lý bằng đốt. Chất thải nguy hại là chai lọ thủy tinh vẫn chất đống phủ bạt để ngoài sân nhiều lắm. Bơm kim tiêm phải đốt, chai dịch truyền bằng nhựa thì tái chế”.

Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVĐK tỉnh Sơn La, cho biết: “Chất thải nguy hại là bông, băng, gạc, kim tiêm liên quan đến máu và dịch truyền phát sinh trong quá trình điều trị được đốt bằng Lò; chất lượng Lò đốt kém, không đạt yêu cầu bảo vệ môi trường”

“Đến nay, Bệnh viện chưa có giấy phép xả thải ra môi trường. Hệ thống gom nước xả thải có biểu hiện rò rỉ ra ngoài, vị trí nào cũng không nắm được”, ông Nguyễn Văn Khang, cho biết thêm.

Biên bản kiểm tra ngày 06/11/2014 của Đoàn kiểm tra số 2 theo Quyết định số 1447/QĐ-BYT ngày 25/4/2014 của Bộ Y tế có nêu tồn tại về nước thải y tế: Bệnh chưa có giấy phép xả nước thải ra môi trường.

Báo cáo số 208/BC-BVĐKT ngày 15/12/2014 của BVĐK tỉnh Sơn La gửi Đoàn Thanh tra - Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT có nêu: Nguồn tiếp nhận nước thải ruộng lúa sau Bệnh viện và Suối Nậm La;

Phải chăng, hành vi xả nước thải y tế của BVĐK tỉnh Sơn La  ra môi trường cần được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.?

Hoan Nguyễn