Quyết định nêu rõ, ngày chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai được tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về vai trò ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia toàn dân bảo đảm sự thành công chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 28/03/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 của tỉnh Đồng Nai.
Trong quyết định cũng yêu cầu, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa- Thông tin và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện theo quy định hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các hoạt động truyền thông và chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai nhằm bảo đảm thiết thực hiệu quả và tiết kiệm…
Ở một diễn biến liên quan, vừa qua Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 253/TB-VPCP kết luận phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vào ngày 08/08.
Thông báo kết luận nêu rõ, chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả:
Đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường, các chuỗi cung ứng, sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, càng khó khăn, thách thức càng phải đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc cũng là quan điểm xuyên suốt; tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích, va chạm.
Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và mỗi cá nhân, tổ chức. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn; tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ trực tuyến thông qua tuyên truyền, hướng dẫn. Mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số.
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc chuyển đổi số được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp và thực hiện một cách thực chất, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Phải nói đi đôi với làm, "không đánh trống bỏ dùi", đặc biệt tránh mọi biểu hiện hình thức. Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều nhưng người dân sử dụng ít; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông thấp. Các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế chia sẻ, dùng chung để khai thác hiệu quả dữ liệu và phải có nguồn lực để đầu tư tiếp.
Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp.
Phong Vân