THCL 10 tháng đầu năm, Quản lý thị trường đã thực hiện 145.000 vụ kiểm tra, phát hiện 88.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, số tiền xử phạt và thu về cho ngân sách Nhà nước là 523 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kịp thời xây dựng các phương án, kế hoạch để tổ chức triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Theo đó, trong 10 tháng năm 2016, riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 145.000 vụ; phát hiện, xử lý gần 88.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 523 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Quản lý thị trường, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân được chỉ ra là do điều kiện địa hình tuyến biên giới phức tạp và nhiều nguyên nhân khác như: lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, phải quản lý trên địa bàn rất rộng; nhân dân khu vực biên giới không có công ăn việc làm, lấy việc cho thuê nhà làm kho chứa hàng lậu, vận chuyển thuê hàng lậu qua biên giới làm nghề kiếm sống; cá biệt còn có cán bộ, công chức không tích cực phối hợp đấu tranh hoặc làm ngơ, để đối tượng buôn lậu lợi dụng…
Thứ hai, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, xử lý quyết liệt, các chế tài xử phạt đã được nâng lên, nhiều vụ việc đã bị truy tố hình sự nhưng vì lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật, sẵn sàng chống đối quyết liệt các lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, các vướng mắc về cơ chế chính sách cũng là một khó khăn không nhỏ cho việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, ví dụ: chi phí theo dõi, kiểm tra, bắt giữ, tiêu hủy hàng hóa rất tốn kém nhưng kinh phí được cấp rất khó khăn; trang thiết bị và điều kiện làm việc còn thiếu thốn, lạc hậu, các công cụ hỗ trợ và các thiết bị phụ trợ chưa được trang bị đầy đủ...
Tuấn Ngọc