Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 12/2022, sản lượng 12 loại cây ăn trái chủ lực tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, quýt, khóm, sầu riêng, nhãn, chôm chôm và mãng cầu ước đạt 360.800 tấn, nâng tổng sản lượng cả năm 2022 ước đạt 4,15 triệu tấn.
Trong đó, sản lượng trong tháng 12 và cả năm 2022 của thanh long lần lượt là 54.300 tấn và 585.300 tấn, xoài 53.500 tấn và 570.000 tấn, chuối 45.500 tấn và 491.800 tấn, mít 41.000 tấn và 419.900 tấn, bưởi 31.000 và 370.400 tấn, cam 28.000 tấn và 481.900 tấn, dứa 37.300 tấn và 445.000 tấn, sầu riêng 33.200 tấn và 320.400 tấn, nhãn 17.000 tấn và 229.000 tấn, chôm chôm 12.000 tấn và 128.600 tấn, quýt 6.000 tấn và 87.900 tấn, sản lượng mãng cầu trong tháng 12 là 2.000 tấn và cả năm đạt 22.500 tấn.
Cũng theo Cục Trồng trọt, trong quý I/2023, sản lượng 12 loại trái cây trên ước đạt 1 triệu tấn, trong đó nhiều nhất là xoài với 195.000 tấn, kế đến là thanh long 120.000 tấn, cam 140.000 tấn, chuối 118.000 tấn, khóm 112.000 tấn, bưởi 105.000 tấn…
Ðể thực hiện tốt việc sản xuất và tiêu thụ các loại trái cây trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương vùng ÐBSCL quan tâm cũng cố hệ thống đê bao, bờ bao nhằm chống xâm nhập mặn.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể, tăng cường hỗ trợ nông dân kết nối doanh nghiệp mua trái cây, cũng như tiếp tục đẩy mạnh bảo quản, chế biến trái cây. Chỉ đạo tổ chức sản xuất rải vụ các loại trái cây (thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng) linh hoạt phù hợp với tình hình tiêu thụ. Nắm sát sản lượng, chất lượng cây ăn trái, đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng, đặc biệt cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng...
Minh An (T/h)