Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

15 năm PCI - cánh chim không mỏi của tinh thần cải cách thể chế

Ngày 5/5/2020, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. Nhân sự kiện này, Chủ tịch VCCI (Trưởng BCĐ PCI), Vũ Tiến Lộc có cuộc trò chuyện cùng PV TH&CL xung quanh vấn đề này.

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến LộcChủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ra đời như thế nào, thưa ông?

Quan sát thực tiễn kinh tế ở nước ta vào đầu những năm 2000, chúng tôi thấy một điều thú vị: trong khi các điều kiện về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, tài nguyên và nguồn nhân lực ở một số địa phương là khá tương đồng, nhưng thành quả phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư... lại rất khác nhau.

Chìa khóa tạo nên sự khác biệt là chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các địa phương. Đó là điều gợi mở, là nguồn cảm hứng để chúng tôi bắt đầu một hành trình chưa từng có tiền lệ là điều tra, phân tích và xây dựng báo cáo PCI. Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam (PCI) ra đời như thế.

PCI là tiếng nói của khu vực tư nhân về chất lượng điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Gọi là khu vực tư nhân - bởi đây là khu vực đông đảo nhất trong nền kinh tế Việt Nam (chiếm tới 97-98% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế).

Tiếng nói của khu vực tư nhân là tiếng nói từ cơ sở - nơi sinh kế của hàng chục triệu gia đình. Cảm nhận và niềm tin của khu vực dân doanh sẽ định hình tương lai của nền kinh tế. Trao quyền để khu vực kinh tế tư nhân nói lên tiếng nói của mình, chủ động tương tác có hiệu quả với chính quyền các cấp trong hoàn thiện thể chế và thúc đẩy thực thi, là đóng góp lớn nhất của PCI trong hành trình cải cách kinh tế ở Việt Nam.

Vậy, “Cú hích” 15 năm qua trong công tác này là gì?

15 năm PCI đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh và sự nghiệp phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam. Từ chỗ ít được quan tâm, công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay đã và đang là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu ở tất cả các địa phương.

Từ chỗ vị thế, quy mô còn nhỏ bé, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã gia tăng nhanh chóng với gần 800 nghìn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh, được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế, được tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích phát triển.

Từ vị trí rất thấp trong các bảng xếp hạng thế giới, thứ hạng môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được nâng cao và đang hướng tới mục tiêu lọt vào nhóm 3 - nhóm 4 nền kinh tế đứng đầu ASEAN. PCI tự hào đã góp một viên gạch nhỏ trên con đường chuyển đổi quan trọng đó của nền kinh tế Việt Nam.

Sản phẩm quan trọng nhất của PCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân và không chỉ khuyến cáo ở tầm định tính, thông điệp cải cách từ PCI là những con số biết nói và những câu chuyện cụ thể có thể “cân, đong, đo, đếm” và áp dụng được ngay. Cách tiếp cận thực tiễn là đặc sản của PCI.

Có đến “Một ngàn lẻ một” câu chuyện cải cách đang được chia sẻ giữa các địa phương. “Cà phê doanh nhân” “Sự chụm đầu” thân thiện và hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp được thai nghén từ tỉnh Đồng Tháp giờ đã là nếp sinh hoạt đẹp không thể thiếu tại 40 tỉnh, thành phố ở nước ta.

DCCI - một phiên bản PCI ở cấp sở, ban ngành, quận huyện, được tỉnh Quảng Ninh tiên phong thực hiện mạnh mẽ, hiện cũng đã được nhân rộng ra trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các mô hình khác như: Hiệp hội doanh nghiệp nhất thể hoá ở cấp tỉnh, Trung tâm dịch vụ hành chính công, Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA), Bác sỹ doanh nghiệp, các thực tiễn tốt trong đối tác công tư (PPP)... cũng được lan tỏa giữa các địa phương theo hành trình PCI suốt hơn một thập kỷ qua. PCI là cánh chim mang tinh thần cải cách tới mọi miền.

“Điểm nhấn” PCI 2019 như thế nào, thưa ông?

Năm nay kỷ niệm PCI bước vào “tuổi trăng tròn”, báo cáo PCI 2019 được trình làng. Chúng ta vui mừng: kết quả PCI - 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ này của Đại hội Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn ở các địa phương.

Như 7 sắc cầu vồng trên bầu trời thể chế: Sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng; Công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều tiến bộ; Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn; Tính minh bạch được cải thiện; Cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố; Chi phí không chính thức tiếp tục giảm; Cải cách hành chính được đẩy mạnh...

Bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn. Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80 % doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy.

Ở thời điểm giữa năm 2019, khi tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Người dân hăng say thành lập doanh nghiệp, chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên. Đó là những con số của niềm tin!

Chỉ số PCI năm 2018Chỉ số PCI năm 2018

Theo ông, đâu là khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư vào địa phương?

Điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59% doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch; 43% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư...

Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.

Một điều nữa cũng được cộng đồng doanh nghiệp quan ngại là trong khi các tỉnh thành phố đứng ở cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực để vượt lên thì những địa phương ở top dẫn đầu - những ngôi sao cải cách - đã chưa có được những cải cách bứt phá nào đáng kể trong mấy năm qua, hành trình cải cách mới chỉ dừng lại ở những việc làm còn tương đối dễ dàng. Điều này cho thấy, một mặt, rất cần có thêm những động lực mới cho cải cách từ cơ sở.

Mặt khác, cần nâng trần thể chế ở cấp trung ương. Hy vọng rằng các quyết sách mới đây của Quốc hội, Chính phủ về việc khẩn trương rà xét, xóa bỏ những chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật và chủ trương của Đảng ta ban hành cơ chế khuyến khích, bảo vệ những người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung đang được triển khai sẽ giúp trang bị “tấm áo giáp sắt” an toàn và những động lực mới cho sự phát triển năng động của chính quyền cấp tỉnh, nhất là các tỉnh thành phố giữ vai trò dẫn dắt, mở đường...

PCI -2019 phản ánh cục diện cải cách và môi trường kinh doanh ở cấp địa phương ở Việt Nam trước đại dịch Covid. Bây giờ thì tình hình đã khác, nỗi lo suy thoái đang là xu hướng chủ đạo. Nhưng chúng ta tin rằng chỉ số niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự điều hành của các cấp chính quyền năm 2020 chắc chắn sẽ vẫn khả quan.

Cũng như trong các cuộc chiến mà chúng ta phải đương đầu, cuộc chiến chống Covid-19 đã củng cố trong mỗi chúng ta niềm tin: Khi chúng ta khơi dậy được tinh thần yêu nước và sự đồng lòng để toàn dân ra trận, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì chúng ta luôn có thể làm được những điều tưởng như không thể. Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia hiếm hoi đã sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh để có thể tiên phong mở cửa thị trường, tái khởi động, phục hồi nền kinh tế...

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Nguyễn Kiên (Thực hiện)

Bài liên quan

Tin mới

Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương
Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương

Trong thời gian qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử nhiều đoàn bác sĩ nội trú về huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Lào Cai nhằm tạo cơ hội cho người dân tại đây được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu
Phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu

Triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn rất bấp bênh, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ. Vì vậy, năm 2024, cần phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên kế hoạch lợi nhuận tham vọng tăng 490,5% trong năm 2024
Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên kế hoạch lợi nhuận tham vọng tăng 490,5% trong năm 2024

Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT - sàn HOSE) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội diễn ra ngày 19/4/2024 tại TP.HCM.

Sản xuất công nghiệp quý I tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước
Sản xuất công nghiệp quý I tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Đầu tư phát triển đa Quốc gia I.D.I đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 213%
Đầu tư phát triển đa Quốc gia I.D.I đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 213%

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I (mã chứng khoán IDI) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên với kế hoạch dự kiến chi trả cổ tức năm 2022 và năm 2023 tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận được Bộ Chính trị chuẩn y giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020-2025.