Ngày 2/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại cuộc họp Chính phủ chiều qua, Thủ tướng và Chính phủ đã thống nhất dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 mà Bộ KH&ĐT trình.
Ngay sau đó, Thủ tướng đã giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tư pháp cùng các ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.
Theo người phát ngôn Chính phủ, chủ trương được nhấn mạnh trong việc này là phải hỗ trợ đúng đối tượng và tiền hỗ trợ sẽ đến tay người được hưởng một cách nhanh nhất.
Ông Dũng cũng đề cập 4 nguyên tắc đã được Chính phủ thống nhất khi ban hành Nghị quyết này, gồm: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn; việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Đúng, đủ và nhanh
Về mức hỗ trợ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ quy định riêng từng mức với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Ví dụ, với nhóm người có công sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng (4, 5, 6); còn người lao động tự do mất việc, giảm sâu thu nhập sẽ được hỗ trợ mức 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng.
Khoảng 20 triệu người sẽ được hỗ trợ do phải chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 (Ảnh: Hoàng Hà)
Để triển khai thực hiện tốt các nội dung này, ông Dung nhấn mạnh, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu và phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
“Chúng tôi đặt ra nguyên tắc phải chi đúng đối tượng, minh bạch, công khai trong nhân dân, người hưởng để làm sao người hưởng được hưởng đúng, hưởng đủ nhưng hưởng nhanh nhất”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu ngành lao động, trước hết khi Nghị quyết ban hành, các đơn vị liên quan sẽ có kế hoạch chi tiết triển khai đối với từng nhóm, như nhóm người có công, hưởng chính sách bảo trợ xã hội, nhóm hộ nghèo và cận nghèo… sẽ được lập danh sách cụ thể, giao cho địa phương trực tiếp chuyển tiền đến những người này.
Các đối tượng khác thì chính quyền cơ sở, doanh nghiệp có trách nhiệm lập danh sách, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, rà soát rất kỹ và người đứng đầu địa phương phải có trách nhiệm xác nhận việc này.
“Quan trọng nhất là công khai, minh bạch trong dân để nhân dân, MTTQ, các cơ quan, đoàn thể giám sát chặt chẽ việc này. Tiếp đó là xử lý nghiêm minh tất cả trường hợp vi phạm, trục lợi chính sách”, Bộ trưởng Dung khẳng định.
6 nhóm được hỗ trợ
Thông tin rõ hơn về gói hỗ trợ an sinh này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tổng số tiền trong gói này dự kiến trên 61.500 tỷ, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng.
Số tiền này sẽ dành để hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được điều chỉnh bởi nghị quyết.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: Mỹ Hà)
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những người dân này được chia thành 6 nhóm:
1,2 triệu người có công đang hưởng chính sách thường xuyên và 2,8 triệu người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Trên 900.000 hộ nghèo và 1,2 triệu hộ cận nghèo.
Nhóm người lao động bị tạm dừng lao động, dừng hợp đồng nhưng chưa có lương.
Những người bị dừng hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chính sách BHXH và lao động tự do không có giao kết hợp đồng.
Những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ có mức thu nhập dưới 100 triệu nhưng phải dừng việc do thực hiện nghiêm các quy định về cách ly.
Những doanh nghiệp không có khả năng trả mức lương tối thiểu vùng bình quân cho người lao động thì được vay 50% mức lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% để trả cho người lao động, giữ chân người lao động, nhằm tiếp tục phục hồi và tái sản xuất sau này.
Bộ trưởng Lao động cho biết quy mô của gói hỗ trợ an sinh này sẽ đặt vào 3 nhóm chính sách cơ bản.
Trước hết là huy động sự vào cuộc sâu rộng của xã hội, tập trung đáp ứng phục vụ nhu cầu của người dân về nhu yếu phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp giảm giá điện, giá nước.
Hai là tập trung miễn, giảm, dừng đóng bảo hiểm.
Ba là sử dụng nhóm chính sách hỗ trợ cho người lao động, người yếu thế để giữ họ, đảm bảo cuộc sống cho người lao động để sau dịch, họ sẽ trở lại thị trường lao động một cách tốt nhất.
“Mục tiêu bao quát của Nghị quyết này là hỗ trợ những người lao động, người dân bị ảnh hưởng, giảm sâu thu nhập, mất - thiếu - giãn việc làm dẫn đến mức sống không đạt mức tối thiểu”, ông Dung nhấn mạnh.
Theo Zing