Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến: Phát triển bền vững, thích ứng tương lai, Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho hay: Đầu năm 2021, cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm qua và coi Việt Nam là ngôi sao sáng của khu vực Đông Nam Á, thậm chí là Đông Á về tốc độ tăng trưởng và khả năng kiềm chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, những quý tiếp theo chúng ta đã phải chứng kiến những thay đổi về dịch bệnh, từ đó kéo theo thay đổi về tốc độ tăng trưởng.

Những thay đổi đó đã đưa chúng ta vào một trạng thái rất hồi hộp khi bước sang năm 2022. Kịch bản của năm 2022 sẽ như thế nào?

Chúng ta có thể chờ đợi rất nhiều những cơ hội vào năm 2022 nhưng cùng với đó cũng là rất nhiều thách thức.

Nói về cơ hội, nhiều cơ hội cũng đã được hiện thực hóa trong thời gian qua, ví dụ như việc đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế thể hiện qua con số 660 tỷ USD xuất nhập khẩu trong năm 2021. Cùng với đó là khả năng thích ứng của doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn có thể đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ đáp ứng được thị trường.

Điều đó cho ta nhìn thấy niềm hy vọng cho năm 2022 là nhu cầu của thị trường quốc tế đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sự phục hồi của một số bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…cũng sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam. Khả năng thích ứng, tinh thần doanh nhân của doanh nghiệp Việt Nam, tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam cũng đã được khẳng định thông qua những thống kê về hoạt động của doanh nghiệp cả về số lượng lẫn số vốn,… Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi vào sự nỗ lực của DN để góp phần cho sự phát triển kinh tế.

Chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào sự phục hồi đã được chứng minh trong năm 2021 của dòng vốn đầu tư FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam thông qua việc nhìn vào những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư. Đó là những niềm hy vọng, những cơ hội mà chúng ta có thể trông chờ trong năm 2022.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kỳ vọng rằng những yếu tố thuận lợi hơn của môi trường đầu tư trong nước cũng sẽ tiếp tục kích thích đầu tư tư nhân. Ta cũng có thể kỳ vọng vào đầu tư công giai đoạn mới bắt đầu tăng mạnh khu khó khăn của dịch bệnh đã qua đi. Nhất là chi tiêu công cũng hi vọng được đẩy mạnh. Từ đó sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Không thể không kể đến gói kích thích kinh tế Quốc hội mới thông qua, cộng thêm những tác động đáng kể khi gói kích thích đi vào cuộc sống sẽ tác động rất tích cực đến kinh tế 2022 và những năm tiếp theo.

Đi kèm với đó dĩ nhiên vẫn sẽ có những khó khăn, thách thức, trở ngại. Như môi trường kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia, lạm phát tại một số nước tăng cao… sẽ tác động khá nhiều đến Việt Nam trực tiếp, gián tiếp khiến chúng ta bị ảnh hưởng đến những cân đối lớn của nền kinh tế.

Rồi những cách thức chúng ta thực hiện các gói kích thích mới, làm sao đúng liều lượng, hiệu quả, giám sát chặt chẽ nhất để đảm bảo không ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô, đặc biệt là lạm phát.

Những rủi ro đó là không thể loại trừ và chúng ta cần dự trù để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Ông Bình khẳng định: Năm 2022 là một năm rất quan trọng. Năm 2021 là năm bản lề đê thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm nhưng chúng ta đã lỡ 1 cơ hội do dịch bệnh phát sinh. Như vậy, trọng trách của năm 2021 đã dồn lên năm 2022. Với vai trò như vậy, năm 2022 chúng ta sẽ phải thực hiện rất nhiều các hoạt động về cải cách kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh, đặt nền móng cho sự tăng trưởng của cả giai đoạn, thậm chí xa hơn nữa, chứ không chỉ là giải bài toán phát triển kinh tế của riêng năm 2022. Bởi vậy, những quyết sách của chúng ta, những giải pháp về kinh tế, tài chính, tiền tệ… không chỉ hướng tới tăng trưởng của 2022 mà phải hướng đến đặt nền móng tăng trưởng đến 2025, 2030 thậm chí xa hơn nữa.

Năm 2022 ta cũng chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng nhất là sau Hội nghị COP 26 vừa qua thì mục tiêu tăng trưởng xanh đối với Việt Nam đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Mục tiêu này chắc chắn cũng sẽ có tác động đến mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, năm 2022 chúng ta sẽ đi những bước đầu tiên về mặt chính sách, xây dựng chính sách, hành động của Chính phủ của doanh nghiệp, người dân để thực hiện các mục tiêu này.

Năm 2021 cũng đã phản ánh những vấn đề về lao động, con người, xã hội… do vậy, năm 2022 phải nhìn lại những điểm chúng ta cần cải thiện, tình trạng lao động tự do khó tiếp cận gói hỗ trợ… Đó là những vấn đề chúng ta cần đề câp trong năm 2022.

Minh Anh