"câu kéo" Nhà đầu tư nộp tiền
“Cạm bẫy ngọt ngào”
Phóng viên TH&CL trong vai Nhà đầu tư (NĐT) tiềm năng, nhân viên tên Thương của Công ty đã “chèo kéo” và mở cho PV một tài khoản đăng nhập để tham gia nộp tiền trên trang website. Nhân viên này quảng cáo “Đặc tính thứ nhất ở thị trường này có rất nhiều sản phẩm cho mình lựa chọn như: Vàng, bạc, xăng dầu, cổ phiếu, chứng khoán, tiền ảo của các tập đoàn nổi tiếng thế giới (Samsung, Oppo, Google, Facebook…).
Đặc tính thứ 2, là tính hai chiều của thị trường, tức là khi giá tăng hay giảm của một sản phẩm, khách hàng có thể kiếm được lợi nhuận từ đó (?) nhờ vào sự hỗ trợ thông tin của công ty và tính bán khống của thị trường… Nhân viên này còn lấy ví dụ “Nếu chị đặt mua một sản phẩm nào đó ở ngoài thị trường, thì chị phải mua thấp và bán ra cao thì mới có lãi. Tuy nhiên, ở đây kể cả chị mua cao và bán ra thấp thì chị vẫn có thể kiếm được lợi nhuận (?), bên em hỗ trợ cho chị thông tin đặt lệnh sell để bán khống, nên chị vẫn có lãi.
Đặc tính thứ 3 là tính thanh khoản cao, tức là khi chị đầu tư vào thị trường này, nếu chị muốn đặt lệnh hay muốn rút lệnh, thì chị có thể rút ngay tại thời điểm đó chứ không phải mất nhiều thời gian, rất thuận lợi cho chị..”
Nhân viên này còn tạo ra miếng “bánh vẽ” khá hấp dẫn “Bên em đang có chương trình khuyến mại, chị nộp tiền càng nhiều thì sẽ được công ty khuyến mại càng lớn, nếu nộp 5.000USD sẽ được cộng thêm 100% bonus (bằng 10.000USD) để chị giao dịch”.
Khi được hỏi, đây là trang web của đơn vị nào, nhân viên này trả lời “Trang web này có máy chủ tại Anh quốc.
Nhà đầu tư dễ mất tiền
Để đảm bảo độ tin cậy, PV đề nghị được tiếp cận với văn phòng đại diện của Công ty tại Hà Nội. Theo hướng dẫn, PV đã đến trụ sở công ty, nơi làm viêc không có biển hiệu, 9 nhân viên đang ngồi làm việc, người thì gọi điện mời chào NĐT nộp tiền, người hướng dẫn tư vấn cho NĐT mở tài khoản, còn PV được hướng dẫn thao tác để nộp tiền vào trang web nêu trên.
Trụ sở làm việc không có biển hiệu
Một nhân viên tên Trang giới thiệu “Công ty em có khoảng hơn 30 ngàn người tham gia giao dịch rồi”. Và hướng dẫn PV nộp tiền “Nếu chị sử dụng Internet banking, thì chị chuyển trực tiếp vào tài khoản của công ty.
Khi PV thắc mắc, nếu trang web bị đánh sập, thì NĐT sẽ lấy tiền ở đâu? cả nhân viên tên Trang và Thương đều khẳng định “Nếu điều đó xảy ra, Công ty sẽ chịu trách nhiệm giải quyết cho NĐT, trường hợp không xử lý được công ty sẽ trả tiền cho NĐT”.
Trở lại với vai trò của mình, PV đã làm việc với giám đốc công ty lại trả lời ngược lại với 2 nhân viên trên “Nếu trang website bị sập, NĐT mất tiền, thì chúng tôi không chịu trách nhiệm. Vì Công ty không trực tiếp thu tiền, công ty chỉ tư vấn cho NĐT nộp tiền vào đó, khi NĐT nộp tiền thì phải thông qua đối tác của họ …” (?!). Như vậy, theo lời ông giám đốc, thì sẽ không có đơn vị nào chịu trách nhiệm nếu NĐT bị mất tiền. Rủi ro là rất lớn, không hiểu tại sao lại có hơn 30 ngàn người nhẹ dạ nộp tiền để giao dịch thông qua đơn vị này(?!).
Được biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018. Sau đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có Chỉ thị số 02/CT-NHHH ngày 13/4/2018, nội dung tăng cường kiểm soát các giao dịch hoạt động liên quan đến tiền ảo...
Chỉ thị thể hiện: “Đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng, do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế. Các tổ chức tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo và có biện pháp xử lý đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối..”.
Thanh Bình