Ngày 1/8, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XI.

6 tháng đầu năm, GRDP tỉnh Bình Dương tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022
6 tháng đầu năm, GRDP tỉnh Bình Dương tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột, cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt,...

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 5,97%). Trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 2,94%; dịch vụ tăng 5,9%; nông nghiệp và thuỷ sản tăng 3,28%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,62%.

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của Bình Dương gặp nhiều khó khăn, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng và quy mô đơn hàng giảm mạnh.

Bình Dương, một trong những thủ phủ khu công nghiệp đứng đầu cả nước
Bình Dương, một trong những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp trên cả nước.

Chỉ số công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 8,35%); trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 2,2%; công nghiệp chế biến tăng 2,8%; sản xuất phân phối điện, khí đốt giảm 4,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,2%.

Xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 15 tỷ USD (giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước), kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 10 tỷ USD (giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước).

Về đầu tư công, tính đến ngày 30/6/2023, giá trị giải ngân của tỉnh Bình Dương đạt 5.286 tỷ đồng, đạt 24,3% kế hoạch HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 30,4% kế hoạch) và đạt 43,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trước tình hình chung còn nhiều khó khăn, trong 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung vào các công tác quan trọng như: Hoàn thành trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 12/2023; lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2022 - 2025); tổ chức đấu giá một số khu đất đủ điều kiện và khẩn trương định giá đất đối với các dự án đủ điều kiện để tăng thu ngân sách, đảm bảo nguồn phục vụ các nhiệm vụ chi đầu tư; xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Bệnh viện đa khoa 1.500 giường trong năm 2023; hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, khởi công đường Vành đai 4 và cảng An Tây, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành (khởi công trong quý I/2024), đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An, trường Chính trị …

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phấn đấu giải ngân đạt kế hoạch. Khẩn trương thông báo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cho các chủ đầu tư sớm có phương án chuẩn bị đầu tư.

Phong Vân