Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm 2021, Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19. Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 14,21% so với cùng kỳ.

Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước (sau tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Thuận).

Công nhân Công ty Toyota Việt Nam vận hành dây chuyền lắp ráp ô tô.
Công nhân Công ty Toyota Việt Nam vận hành dây chuyền lắp ráp ô tô.

Trong đó, khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 5,78%, đóng góp 0,41 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh; ngành công nghiệp-xây dựng tăng 21,98%, đóng góp vào tăng trưởng chung 10,26 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 7,54% so với cùng kỳ, đóng góp 1,57 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Tính đến ngày 28/6, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 19.250 tỷ đồng, tăng 35,18% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách nhà nước đạt hơn 10.475 tỷ đồng, tăng 6,26% so với cùng kỳ.

Tổng dư nợ cho vay ước đạt 94,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,32% so với cuối năm 2020; tổng nguồn vốn huy động ước đạt 93 nghìn tỷ đồng, tăng 1,22%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,05% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ, với 10 dự án DDI, tổng vốn đăng ký đạt hơn 7.509 tỷ đồng và 29 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đạt 177,64 triệu USD.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 245 doanh nghiệp, tăng 56,05% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 805 doanh nghiệp.

Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 6.880 lao động; phát hiện 52 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 34 vụ, với số tiền phạt 423,5 triệu đồng; xảy ra 7 vụ cháy, ước giá trị thiệt hại hơn 1,9 tỷ đồng, không có thiệt hại về người. Số vụ tai nạn giảm 1 vụ so với cùng kỳ, số người chết giảm 3 người, số người bị thương giảm 6 người.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm, Vĩnh Phúc sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả...

Về nhiệm vụ sắp tới, tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập và tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021; bảo đảm tiến độ tiêm vaccine; tăng cường quản lý hoạt động tiêm chủng, theo dõi sát tình hình, kịp thời xử lý tai biến sau tiêm chủng; rà soát nhân lực, vật tư, trang thiết bị để xây dựng chiến dịch tiêm chủng chặt chẽ từng khâu, đúng quy trình và bảo đảm tuyệt đối an toàn...;

Về phát triển kinh tế, giải ngân đầu tư công, phải đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo..., tập trung quản lý điều hành ngân sách hiệu quả theo dự toán đã giao, tập trung ngân sách cho lĩnh vực thiết yếu;

Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu cho tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19, tập trung tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn đầu tư công;

Cục Thuế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý thuế, theo sát và đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các vướng mắc; tiến tới mục tiêu chung là khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi phát triển trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đẩy mạnh quản lý thuế theo rủi ro trong quản lý thuế, từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Đồng thời, ngành Thuế sẽ quan tâm, chú trọng đến những doanh nghiệp trọng điểm, có vai trò và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho sự phát triển bền vững của địa phương. Đơn cử, đối với việc kê khai, nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt tại tỉnh Hà Nam của Công ty Honda Việt Nam có nhiều vướng mắc, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã khẩn trương vào cuộc, đã có văn bản gửi đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về việc xác định ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp. Hiện Cục Thuế tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tài chính để tiếp tục giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

- Từ ngày 27/4 đến nay, toàn tỉnh có 92 trường hợp mắc Covid-19. Hiện tỉnh đang điều trị cho 10 trường hợp dương tính với Covid-19 (tình hình sức khỏe của các bệnh nhân ổn định, không có bệnh nhân diễn biến bất thường). Tích lũy điều trị khỏi 69 trường hợp.

Tính từ ngày 5/6 đến nay, có 25 ngày liên tiếp chưa phát hiện trường hợp mắc/nghi ngờ mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Tổng số các trường hợp đang giám sát y tế: 65.094 trường hợp. Trong đó, số trường hợp F1 hiện đang cách ly 10 người, tích lũy 3.343 người; không có trường hợp F2 hiện đang cách ly; cũng không còn trường hợp F3.

- Từ đầu năm 2021 đến nay, Vĩnh Phúc đã gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho hơn 1.000 trường hợp, trị giá hơn 1.200 tỷ đồng. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô trị giá 5.500 tỷ đồng và giảm tiền thuê đất 5,4 tỷ đồng...

Hoan Nguyễn