Điều này khiến cho một bộ phận tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần.
Đây là báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) về tình hình sức khỏe tâm thần của trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam được đưa ra tại hội thảo “Sức khoẻ tâm thần và sử dụng ma tuý trong thanh thiếu niên: Thấu hiểu và hỗ trợ” do Trung tâm Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tại Hà Nội ngày 27/10/2018.
Theo chia sẻ của một số thanh thiếu niên đã từng sử dụng ma tuý, thuốc lắc, cần sa… cứ mỗi lúc buồn lại hút. Có bạn đã hút cần sa từ khi học lớp 7, lớp 8. Ban đầu thì do bạn bè rủ nên cũng thử, sau đó dùng thường xuyên hơn vào những dịp cuối tuần hoặc vui chơi. Trong một nghiên cứu với 600 thanh thiếu niên có sử dụng ma tuý độ tuổi 16- 24 tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM thuộc Dự án Bảo vệ tương lai (Chiến lược nhằm kiếm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma tuý ở Việt Nam do SCDI thực hiện) đã cho thấy các vấn đề rối loạn tâm thần có thể xuất hiện trước hoặc xuất hiện sau khi sửdụng, lạm dụng ma túy ởthanh thiếu niên.
Hiện chưa có một nghiên cứu riêng biệt về kỳ thị- phân biệt đối xử với thanh thiếu niên có vấn đề về sử dụng ma túy và mắc rối loạn tâm thần, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn từviệc bị kỳ thị kép khiến các em càng khép kín và bế tắc hơn. Càng bị cô lập thì việc phát hiện càng muộn, điều trị sẽ bị trì hoãn, khiến cho những tổn thương do nghiện ma túy vàrối loạn tâm thần gây ra cho não bộ sẽ khó hồi phục và mất nhiều thời gian hơn.
Thanh niên sử dụng ma túy bị lực lượng chức năng phát giác
Ths.BS Nguyễn Song Chí Trung (Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV - Đại học Y dược TP.HCM) cho biết, rối loạn tâm thần không chỉ là mắc bệnh tâm thần mà còn là trạng thái nghiêm trọng về nhận thức cảm xúc hay không thể điều chỉnh hành vi của một người. Theo quan niệm thông thường ma túy là chất gây nghiện bất hợp pháp vì làm biến đổi tâm thần ý thức tri giác, khí sắc, hành vi; nhưng xét về mặt y học trà, cafe, rượu, thuốc lá, hàng đá, thuốc lắc, cần sa, morphin, methadone đều là “ma túy” vì là chất gây nghiện; và cá độ, shipping, trò chơi điện tử, mạng xã hội, cờ bạc... cũng có tác động như ma túy.
“Mức độ sử dụng ban đầu là dùng thử, sau đó dùng có chủ ý, rồi dùng nhiều và sử dụng trong tầm kiểm soát; khi sử dụng ngoài tầm kiểm soát thì trở thành nghiện. Hiện nay đang có sự hiểu nhầm giữa bệnh tâm thần và nghiện ma tuý. Người ta cho rằng những người có nhân cách mạnh thì miễn nhiễm với ma túy còn nghiện ma túy là do đạo đức, phẩm hạnh kém và không thể chữa lành được, với những người nghiện ma túy chỉ cần dùng ý chí là vượt qua được; nhưng thực tế bất cứ ai cũng có thể là người rối loạn tâm thần và nghiện một cái gì đó”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Các đại biểu tại hội thảo khẳng định kỳ thị và phân biệt đối xử có tác động một cách tiêu cực đến quá trình điều trị và hồi phục của người sử dụng ma túy nói chung và đặc biệt đối với thanh thiếu niên nói riêng. “Theo dự án Bảo vệ tương lai, các bạn thanh thiếu niên sử dụng ma túy thường bị gia đình, hàng xóm và bạn bè kỳ thị, coi thường hoặc miệt thị. Các tin tức và hình ảnh tiêu cực về người sử dụng ma túy trên truyền thông gắn với tình trạng “ngáo đá”, gây rối trật tự công cộng, phạm pháp, giết người… cũng là những định kiến có tác động không nhỏ tới nhóm này. Khi bị phát hiện sử dụng ma túy, gần 60% thanh thiếu niên tự kỳ thị và căm ghét bản thân, hơn 40% cảm thấy cô đơn và có ý định tự tử. Chính vì thế, kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản ngăn cản việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và tiếp cận hỗ trợ vì 65,9% thanh thiếu niên lo sợ phản ứng của mọi người và 53,8% cảm thấy cần thiết phải giấu tình trạng”, bà Nguyễn Thuỳ Linh, Quản lý chương trình Trẻ em và Thanh niên SCDI cho hay.
Các nhà tâm lý cho rằng, gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của lạm dụng ma túy và rối loạn tâm thần khi và chỉ khi tạo được một mối quan hệ chân thành, một không gian an toàn để các bạn thanh thiếu niên có thể tin tưởng vàcảm thấy thoải mái chia sẻ các vấn đề của mình. Việc tham gia điều trị chỉ làmột phần trong toàn bộ quá trình hồi phục của người nghiện ma túy hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần; do đó người nghiện luôn cần sự đồng hành lâu dài của gia đình, bạn bè và cộng đồng.
PV