Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 9/2019 ước đạt 890,8 triệu USD, tăng 22,7% so với với cùng kỳ 2018. Tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 7,932 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ 2018. Xuất siêu lâm sản đạt 6,060 tỷ USD.

Gỗ và lâm sản được xuất khẩu đến trên 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu.

Ước tính 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường này đạt 6,93 tỷ USD, chiếm 87,4% giá trị xuất khẩu lâm sản (Hoa Kỳ: 3,7 tỷ USD, tăng 32,2%; Nhật Bản: 1,03 tỷ USD, tăng 15,7%, Trung Quốc: 850 triệu USD, tăng 1,2%; Hàn Quốc: 620 triệu USD, giảm 12,7%, EU: 730 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018).

Đây là những thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ, tiếp tục khẳng định uy tín của đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế; duy trì vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bên cạnh việc xuất khẩu đến trên 128 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ Việt Nam đang quay lại thị trường nội địa, gắn kết chặt giữa người làm nghề rừng, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo động lực trực tiếp cho sản xuất lâm nghiệp, hình thành chuỗi liên kết.

Được biết, sản xuất lâm nghiệp 9 tháng đang ở mức ổn định, giá trị sản xuất đạt 31,66 nghìn tỷ đồng, tăng 4,0%. Đến nay, các tỉnh phía Bắc đang gấp rút triển khai trồng rừng cuối vụ, các tỉnh phía nam đã bước vào giai đoạn trồng rừng chính vụ.

Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tại những địa phương có nguy cơ cháy rừng cao. Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài, nhất là thời điểm quý III nên vẫn xảy ra cháy tại Quảng trị, Quảng Ngãi, Bình Định,…

Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã có những chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng mùa khô; kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống.

Ngọc Linh