Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình
Tại buổi làm việc, có đầy đủ lãnh đạo đứng đầu của Ngân hàng Agribank Hòa Bình như: ông Phạm Kiên Cường – Giám đốc, ông Ngô Quang Lợi – Phó giám đốc, ông Nguyễn Cảnh Hậu – Trưởng phòng tín dụng, khách hàng, doanh nghiệp Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình.
Các vị lãnh đạo đã cung cấp cho phóng viên tờ Biên bản làm việc vào ngày 23/07/2018 vừa qua. Biên bản làm việc có nội dung như sau:
Tổng dư nợ gốc của công ty cổ phần mía đường Hòa Bình tại Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình tính đến hết ngày 23/07/2018 là: 158.466 triệu đồng, trong đó nợ dài hạn cũ: 59.128 triệu đồng (bao gồm 02 hợp đồng tín dụng), nợ mới: 99.338 triệu đồng (bao gồm 04 hợp đồng tín dụng). Hiện tại tất cả các khoản nợ đều đã quá hạn, chuyển nợ xấu.
Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình
Căn cứ nội dung làm việc ngày 25/06/2018 giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình. Theo đó, hai bên đã thống nhất:
Để tạo cho công ty có thêm thời gian làm việc, thống nhất phương án với đối tác, Ngân hàng đồng ý dãn thời điểm xử lý tài sản đến hết 15/07/2018. Trong thời gian này, Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình cam kết sẽ xử lý xong tài sản của ông Quý tại thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy và chuyển tiền xử lý tài sản vào tài khoản công ty mở tại Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình để ngân hàng thu hồi nợ. Đồng thời công ty hoàn thiện số liệu để cung cấp báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh vụ 2017-2018, báo cáo kết quả đầu tư vùng nguyên liệu 2018-2019 chậm nhất trước ngày 29/06/2018.
Trường hợp đến hết 29/06/2018, Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình không thực hiện các nội dung đã cam kết ở trên. Hoặc đến hết 15/07/2018, công ty vẫn không lựa chọn được nhà đầu tư và không bố trí nguồn vốn trả nợ ngân hàng khả thi Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình tự nguyện bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp của công ty để ngân hàng xử lý bán đấu giá thu hồi nợ theo quy định của pháp luật, đồng thời hợp tác với ngân hàng trong việc xử lý tài sản thu hồi nợ.
Biên bản làm việc giữa Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình
Ngày 24/07/2018, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Hòa Bình ra thông báo số 983/NHNo-KHDN về việc xử lý .
Nội dung thông báo như sau: Căn cứ Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2014 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Căn cứ vào hợp đồng tín dụng số 01/TDDH ngày 22/8/2005, 02/TDDH ngày 22/08/2005, 02/2016/HĐTD-MĐ ngày 20/10/2016, 03/2017/HĐTD-MĐ ngày 19/06/2017, 02/2017/HĐTD-MĐ ngày 05/04/2017, 3000LAV201700502 ngày 06/12/2017 và các phụ lục hợp đồng đã kí kết giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh tỉnh Hòa Bình (Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình) với công ty cổ phần mía đường Hòa Bình.
Căn cứ vào hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số: 01/TCTS-MĐ-2017 ngày 19/06/2017 và phụ lục hợp đồng đã kí kết giữa bên nhận thế chấp là Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình. Bên thế chấp là bà Phan Kim Long và chồng là ông Nguyễn Đăng Nam. Bên được cấp tín dụng là Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình.
Căn cứ vào biên bản làm việc giữa Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình với Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình.
Thông báo về việc xử lý tài sản của Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình
Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình thông báo tới ông Nguyễn Khắc Truyện - Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Khắc Quý - Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình và bà Phan Kim Long, ông Nguyễn Đăng Nam - Chủ sở hữu tài sản bên thứ 3 về việc chúng tôi quyết định xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CĐ 464906 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cấp ngày 28/02/2017, số vào sổ GCN: C801504 đã thế chấp vay vốn tại Agribank Chi nhánh tỉnh Hòa Bình để thu hồi nợ.
Lý do xử lý tài sản: Công ty CP Mía Đường Hòa Bình vi phạm quy định trả nợ đối với Agribank Chi nhánh tỉnh Hòa Bình.
Tài sản trên đã ký kết Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số: 01/TCTS-MĐ-2017 ngày 19/06/2017 để đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng chúng tôi, có tổng dư nợ gốc đến ngày 23/07/2018 là: 158.466 triệu đồng (và lãi phát sinh kèm theo). Trong biên bản làm việc, ông Phạm Kiên Cường – Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình cho biết.
Ông Ngô Quang Lợi – Phó giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình cho biết: “Thời gian qua, sự phối hợp giữa công ty và ngân hàng chưa thực sự tốt, hiện tại do các khoản nợ của công ty đã chuyển sang nợ xấu, ngân hàng buộc phải xử lý tài sản theo quy định. Nếu doanh nghiệp tìm kiếm được các nguồn vốn để trả một phần nợ vay ngân hàng và để tiếp tục hoạt động trong vụ đường tới, ngân hàng sẽ xử lý các tài sản của bên thứ 3 trước và giao nhà máy cho công ty tiếp tục hoạt động sản xuất để trả nợ ngân hàng từ nguồn doanh thu bán hàng. Nếu không, ngân hàng sẽ xử lý toàn bộ tài sản của công ty và bên thứ 3".
Bà Trần Thi Phi Yến – Trưởng phòng KT-KSNB; bà Lê Thị Kim Thu – Trưởng phòng KHNV cùng cho ý kiến như sau: “Trong buổi làm việc giữa Hội đồng tín dụng Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và Công ty nhà máy đường trước khi quyết định cho vay sản xuất đường vụ 2017-2018, công ty đã trình bày phương án sản xuất kinh doanh khả thi và cam kết sau khi kết thúc vụ sẽ trả hết khoản vay này và trả một phần các khoản vay cũ. Tuy nhiên sau khi kết thúc, công ty đã không thực hiện được các cam kết trên”.
Như vậy, qua các ý kiến mà các vị lãnh đạo Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình trong biên bản làm việc với Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình, có thể thấy: Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình đang buông lỏng công tác quản lý dòng tiền, dù chưa thể thu hồi số tiền doanh nghiệp đã vay từ trước, tuy nhiên Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình vẫn tiếp tục giải ngân gói vay 30 tỷ, dẫn tới việc doanh nghiệp sử dụng vốn vay không hiệu quả, còn ngân hàng thì “ôm” khoản nợ xấu hơn 158 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Kiên Cường – Giám đốc và ông Ngô Quang Lợi – Phó Giám đốc chi nhánh Agribank tỉnh Hòa Bình cho hay: “Hiện nay, Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình thông báo xử lý tài sản bên thứ 3 trước. Trước mắt giải quyết nợ cũ, sau đó sẽ xử lý thế chấp toàn bộ nhà máy”.
Vậy, câu hỏi đang đặt ra ở đây là: Khi chấm dứt cho vay, Ngân hàng Agribank chi nhánh Hòa Bình không thu hồi được vốn về, thì trách nhiệm thuộc về ai?. Theo quy định, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank Việt Nam sẽ xử lý như thế nào?
Việc đùn đẩy, trốn trách nhiệm nhiệm và không xử lý dứt điểm, sẽ khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu có phải Ngân hàng Agribank Việt Nam đang bao che, tiếp tay, nên Agribank chi nhánh mới để xảy ra sai phạm nối tiếp sai phạm như trên?
Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước sớm vào cuộc, kiểm tra, làm rõ, để bảo đảm việc sử dụng nguồn cho vay hiệu quả, đúng mục đích thu hồi lại dòng tiền, tránh thất thoát tiền của Nhà nước...
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Mộc Miên