Bài 1: “Điệp khúc” - bắt - hợp pháp hoá hồ sơ - rồi thả
Vì sao nhiều chuyến tàu hút trộm cát biển đã bị CSGT đường thủy bắt giữ hôm trước, thì hôm sau lại được thả và trở lại hành trình cát lậu? Ai đã “phù phép” cát biển “lậu” thành cát mỏ khi “nó” đến các công trường xây dựng? Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên đã thu thập được những bằng chứng cho thấy đã có sự thỏa thuận,“chống lưng” của cán bộ để các chủ tàu hút cát biển trái phép.
Nhiều lần vi phạm trong một tháng
Có những sà lan chỉ trong vòng 1 tháng đã bị bắt đến 3 lần, trong lúc phát hiện chủ phương tiện không cung cấp được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa trên phương tiện, người điều khiển phương tiện. Thậm chí có sà lan bị bắt khi đang hút cát trên biển nhưng không biết bằng cách nào sà lan này “thoát tội” và tiếp tục hoành hành.
Có những sà lan chỉ trong vòng 1 tháng đã bị bắt - thả đến 3 lần
Gần đây nhất, 3 giờ sáng ngày 2/8, trong quá trình tuần tra theo dõi các phương tiện vào cửa biển Soài Rạp, tổ tuần tra Đồn Biên phòng Long Hòa (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. HCM), phát hiện 3 xà lan tự hành mang số hiệu ĐN-0988, HD-2476 và SG-7519 chở hơn 1.700 khối cát đi từ hướng biển Vũng Tàu vào cửa biển sông Soài Rạp về hướng trung tâm TP. HCM.
Khi các phương tiện chở cát đến gần khu vực phao số 23 đoạn sông Soài Rạp khu vực xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, tổ tuần tra Đồn Biên phòng Long Hòa tiến hành kiểm tra phương tiện.
Tại thời điểm kiểm tra, trên mỗi xà lan chở hơn 500 mét khối cát biển, mỗi xà lan trang bị khoảng 20 máy móc, thiết bị hút cát, người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy tờ, không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc số lượng cát trên. Cả 3 thuyền trưởng Trần Văn Viên, Lê Hoàng Khang, Vũ Văn Liêm đều không xuất trình được giấy tờ đăng ký phương tiện.
Tại thời điểm bị bắt, thuyền trưởng này đã không xuất trình được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa trên phương tiện
Điều đáng nói đây chính là 3 sà lan nằm trong số 7 sà lan đã bị CSGT đường thủy TP. HCM bắt giữ trước đó (ngày 29/7), cũng với lý do đang vận chuyển cát trên sông Soài Rạp.
Riêng sà lan mang số hiệu SG 7519, do Lê Hoàng Khang (SN 1985 trú Cần Đước, Long An) làm thuyền trưởng lần thứ 3 trong vóng 1 tháng đã bị bắt và thả. Trước đó, chiều 27/6, sà lan này đang hút cát từ dưới biển lên đã bị tổ công tác của Đồn BP Cần Thạnh phát hiện bắt giữ. Tại thời điểm bị bắt, thuyền trưởng này đã không xuất trình được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa trên phương tiện, người điều khiển phương tiện. Nhưng không hiểu vì sao sà lan này nhanh chóng được thả ra và tiếp tục vi phạm(?!).
“Phù phép” hồ sơ sau khi vi phạm?
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao lúc bị bắt hầu hết các chủ phương tiện không cung cấp được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa trên phương tiện, người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, chi sau 1 đêm, các chủ tàu đã xuất trình với cơ quan chức năng đầy đủ hợp đồng, chứng từ hoá đơn - và dĩ nhiên được coi như là hợp pháp vì chở cát được khai thác từ mỏ Phú Thành 2 trên sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long.
Chi sau 1 đêm, các chủ tàu đã xuất trình với cơ quan chức năng đầy đủ hợp đồng, chứng từ hoá đơn?
Và ngay sau khi các tàu được phép tiếp tục hành trình, lại bị bộ đội biên phòng đồn Long Hòa bắt giữ với lý do nêu trên. Điều này đặt ra nghi vấn về những chứng từ đã được xuất trình thực sự có đúng nguồn gốc. Hay chỉ là những bùa chú để hợp pháp hóa số lượng cát có ở trên tàu. Vì chỉ cần bằng phương pháp trực quan đơn giản có thể nhận thấy đây là cát biển chứ không phải là cát sông (?!).
Dù Chủ tịch UBND TP. HCM - Nguyễn Thành Phong đã từng nhấn mạnh về việc cát tặc rút ruột biển Sài Gòn: “Không thể chấp nhận việc để tình trạng khai thác cát trái phép ở biển Cần Giờ tái diễn, phải xử lý hình sự, triệt để thì mới dẹp được nạn khai thác cát trái phép”.
Tình trạng khai thác cát trái phép trên khu vực cửa biển TP. HCM đang diễn ra rầm rộ
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên tình trạng khai thác cát trái phép trên khu vực cửa biển TP. HCM cùng một số khu vực giáp ranh với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đang diễn ra rầm rộ. Rất nhiều sà lan khai thác loại lớn, có trọng “khủng” với máy bơm công suất lớn tập trung ở cửa biển. Ngoài sà lan của các địa phương như TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, còn có nhiều sà lan từ phía Bắc như: thành phố Hải Phòng, Nam Định...
Những chiếc vòi hút cát lớn được cắm sâu xuống đáy, chỉ cần khoảng 4 giờ sau là hàng ngàn khối cát được bơm đầy sà lan và rời khỏi hiện trường. Và sà lan này vừa rời khỏi là ngay lập tức có sà lan khác chạy ra thay thế. Lực lượng khai thác cát lậu ngang nhiên cày xới cả một vùng cửa biển.Nhưng không thấy bất cứ động thái kiên quyết nào từ chính quyền, lực lượng chức năng các địa phương (?!)
Báo TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc bài - “Có hay không việc “chống lưng” cho cát tặc lộng hành” trong số tới.
Cao Diên - Hải Dương