LTS:Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá là tổ chức trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, được tổ chức, sắp xếp lại trên cơ sở Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá theo mục tiêu, lộ trình thực hiện tại đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cục có chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật vê phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Chuỗi SHOP Jim Tồ sai phạm có hệ thống và ai đang "chống lưng" để "mặc sức" vi phạm (!?)
Nhiều bạn đọc/người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang đặt dấu hỏi về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của các mặt hàng dành cho mẹ và bé đang bày bán công khai tại 11 cửa hàng trong chuỗi SHOP Jim Tồ được trải dài trên toàn địa bàn TP. Thanh Hóa và một số huyện lân cận.
Liên quan đến vấn đề này, Thương hiệu & Công luận đã đăng tải trong loạt bài viết:
Bài 1: Ai chịu trách nhiệm về chất lượng "hàng xách tay" dành cho trẻ em tại chuỗi cửa hàng SHOP Jim Tồ tại Thanh Hóa?
Bài 2: SHOP Jim Tồ bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng
Bài 3: Chủ chuỗi SHOP Jim Tồ tại Thanh Hóa "con ốm hỏi bác sỹ Đăng" là bác sỹ Răng - Hàm - Mặt
Bài 4: Hàng hóa ở SHOP Jim Tồ: "Đây không phải là trốn thuế mà những sản phẩm không có hoá đơn, chứng từ là hàng nhập lậu"
Hiện, chuỗi SHOP này đang bày bán công khai đa dạng nhiều mặt hàng là các sản phẩm dành cho mẹ và bé như thực phẩm, bỉm, sữa, bánh ăn dặm, bột ăn dặm,... Với các mặt hàng 100% chữ nước ngoài in trên bao bì, khi tư vấn bán hàng, các sản phẩm này đều được nhân viên của các cửa hàng giới thiệu cho người tiêu dùng là hàng “xách tay”.
Đồng thời, thời gian qua người sáng lập chuỗi SHOP Jim Tồ là ông Đoàn Hải Đăng luôn quảng cáo và tự nhận trên các phương tiện truyền thông rằng: Mình là bác sỹ có tâm, có tầm và chuỗi SHOP Jim Tồ luôn mong muốn mang đến một địa chỉ mua hàng uy tín, tin cậy, nơi các mẹ có thể trao gửi niềm tin và yên tâm mua sắm mà không phải lo lắng về nguồn gốc hàng hóa. Các sản phẩm tại bất cứ cơ sở nào thuộc hệ thống SHOP Jim Tồ đều được kiểm tra kỹ về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm trước khi phân phối ra thị trường...
Thế nhưng, theo ghi nhận trong thời gian qua của phóng viên tại các cửa hàng trong chuỗi SHOP Jim Tồ, về pháp lý các mặt hàng được giới thiệu là hàng "xách tay” đang bày bán công khai tại đây lại không đủ điều kiện để lưu thông, buôn bán trên thị trường theo quy định.
Hầu hết các sản phẩm bán tại chuỗi SHOP này toàn chữ nước ngoài, “mỏi mắt” người tiêu dùng cũng không thể tìm thấy tem nhãn phụ hay thông tin về đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, nhà phân phối. Và dù pháp luật đã có nhiều chế tài để xử lý nhưng tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng lậu đội lốt là hàng "xách tay” tại đây vẫn được diễn ra với nhiều biến tướng, hệ lụy, trong khi đó nhà nước thì thất thu nguồn thuế rất lớn.
Gần đây nhất, ngày 10/05, phóng viên Thương hiệu & Công luận tiếp tục “mục sở thị” tại cửa hàng Jim Tồ có địa chỉ ở 179 Tố Hữu, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Theo ghi nhận, cửa hàng này mới khai trương và đưa vào hoạt động trong thời gian chưa lâu, cũng như các cửa hàng khác trong chuỗi SHOP, tại đây cũng bày bán nhiều mặt hàng là đồ dùng cho mẹ và bé, phần đa các sản phẩm cũng đều có dấu hiệu là hàng lậu, hàng trôi nổi, hàng không tem nhãn phụ, không nguồn gốc xuất xứ.
Hình ảnh các sản phẩm đang bày bán tại các cửa hàng trong chuỗi SHOP Jim Tồ:
Theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng “xách tay" là hàng trốn thuế, hàng trôi nổi, hàng nhập lậu. Cá nhân, doanh nghiệp vi phạm bị xử phạt theo khung quy định.
Người tiêu dùng có quyền lo ngại với chất lượng các mặt hàng này, bởi thực trạng hàng "xách tay” trên thị trường hiện nay không được cơ quan chức năng kiểm định, đảm bảo quy định về nhãn mác, thông tin quan trọng về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng như chất lượng sản phẩm.
Vậy nên, người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như chất lượng sản phẩm không được kiểm soát, không được bảo hành khi bị lỗi, hỏng trong quá trình sử dụng, nguồn hàng không ổn định và quan trọng hơn là trách nhiệm cơ quan quản lý sẽ nằm ở đâu khi người tiêu dùng dùng sản phẩm mà xảy ra sự cố.
Và đồng thời, không ít ý kiến người tiêu dùng băn khoăn cho rằng, tuy chỉ là chuỗi cửa hàng bán các mặt hàng dành cho mẹ và bé đơn thuần. Nhưng tại chuỗi SHOP Jim Tồ lại đang bán công khai các loại các loại sản phẩm giống thực phẩm chức năng, và các sản phẩm được hệ thống này tự quảng cáo là thuốc chữa, điều trị bệnh, dù các mặt hàng nói trên đều là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và có thể chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Cụ thể, theo lời tự giới thiệu, quảng cáo của chính hệ thống chuỗi Shop Jim Tồ trên các trang mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông, thì tại đây đang bán khá nhiều mặt hàng về thuốc chữa, điều trị bệnh và thực phẩm chức năng. Các loại sản phẩm thực phẩm chức năng như: Special mum fer & vitamines - bổ sung sắt và vitamines,Bioamicus D3 K2-Mk7, Nature’s Way Kids Smart Vita Gummies Calcium + Vitamin D, Fibradis, Pediapeg/Optibac Hồng, Optibac Xanh Lá, Kẽm Biolizin… thậm chí cho đến các loại thuốc như hạ sốt Doliprane Paracétamol 2.4% , thuốc ho Prospan Đức, xổ giun Zelcom của Hàn Quốc…cũng đều có.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý Dược, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết: Với những sản phẩm là thuốc thì phải được Bộ Y tế cấp phép và tra cứu được các thông tin về số lô, đặt biệt là số đăng ký… Còn với những sản phẩm toàn là chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ về nguồn gốc xuất xứ… thì không thể gọi là thuốc, mà đó chỉ là các sản phẩm được cơ sở nhập về bán và quảng cáo như loại thuốc điều trị.
Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa có đang làm tốt chức năng nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?
Tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập ngoại, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng trôi nổi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong thời gian gần đây liên tục diễn ra và có chiều hướng diễn biến rất phức tạp; Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu là hành vi vi phạm pháp luật của các cửa hàng đã rõ ràng nhưng không hiểu sao, Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa vẫn "trình bày" là rất khó khăn trong việc phát hiện vi phạm. Phóng viên đến mua hàng, bạn đọc, người tiêu dùng, tức 03 loại khách khác nhau đều mua được hàng hóa vi phạm, vậy mà Quản lý thị trường thì "trình bày" là khó khăn trong phát hiện vi phạm, có đáng tin cậy hay không? Ba đối tượng như chúng tôi nêu gồm: Phóng viên, người tiêu dùng, bạn đọc... đều là người tiêu dùng, còn Quản lý thị trường thì được Chính phủ trao quyền thực hiện, thế mà "trình bày" khó khăn thì quả thật rất khó hiểu và không đáng tin cậy.
Theo đó, để hạn chế tình trạng này đồng thời tạo sân chơi sòng phẳng cho các đơn vị kinh doanh, cũng như góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển rất cần sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo của các lực lượng chức năng. Trong đó, nòng cốt là Cục Quản lý thị trường, cũng là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Sau quá trình ghi nhận thực tế nhiều ngày, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã phản ánh tới Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá và có loạt bài viết liên quan đến các dấu hiệu sai phạm có hệ thống tại chuỗi SHOP Jim Tồ về hành vi buôn bán, kinh doanh coi thường sức khoẻ, tính mạng người tiêu dùng, vi phạm nghiêm trọng những quy định của pháp luật. Khi tại đây bày bán tràn lan các mặt hàng không tem nhãn phụ, bán các sản phẩm được quảng cáo là thuốc điều trị, chữa bệnh, các loại thực phẩm chức năng có thể chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để thu lời bất chính.
Còn, với những ghi nhận vi phạm thực tế tại chuỗi SHOP Jim Tồ, ngày 15/04 vừa qua, phóng viên Thương hiệu & Công luận cũng đã đặt lịch làm việc với Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá theo quy định để làm rõ về công tác quản lý theo thẩm quyền, quy trình xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh (nếu có) tại chuỗi cơ sở này. Tuy nhiên, đã hơn một tháng trôi qua, đến nay chúng tôi vẫn chỉ nhận được sự im lặng và không có bất cứ phản hồi nào từ phía cơ quan này.
Với sự im lặng đến khó hiểu của Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm và quyền quản lý, xử lý hàng hóa vi phạm, lậu, trốn thuế, giả, nhái... thì cơ quan nào sẽ cùng chúng tôi đi tìm người "chống lưng" cho SHOP Jim Tồ liên tiếp thực hiện hành vi vi phạm?
Dư luận đặt câu hỏi, trước hành vi kinh doanh có nhiều dấu hiệu sai phạm tại chuỗi SHOP Jim Tồ, liệu có hay không việc cá nhân, phòng, ban, đội nào đó của Quản lý thị trường Thanh Hóa đang “tạo điều kiện” cho chuỗi SHOP Jim Tồ hoạt động, kinh doanh bất chấp vi phạm, chỉ chạy theo lợi nhuận?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là "không có vùng cấm". Vậy, với cách hành xử của Quản lý thị trường trước các dấu hiệu vi phạm rõ ràng của chuỗi SHOP Jim Tồ, phải chăng đang bất tuân chỉ đạo của Tổng Bí thư và khẳng định, chuỗi SHOP Jim Tồ là "vùng cấm"?
Tiến Minh- Khánh Dương
Còn nữa