Sàn sanphamangiang.com – tỉnh An Giang. Ảnh: KT
Sàn sanphamangiang.com – tỉnh An Giang (Ảnh: KT)

Theo đó, kế hoạch nhằm hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp ổn định giá nông sản cho người dân, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử.

Được biết, việc lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử là các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp của ngành nông nghiệp An Giang. Các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch, mua bán trên sàn thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Đồng thời, các sàn thương mại điện tử tham gia hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp An Giang quảng bá sản phẩm nông nghiệp, giao dịch mua, bán trên sàn gồm: Sàn postmart.vn  – Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; sàn voso.vn – Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel; sàn sanphamangiang.com – tỉnh An Giang; sàn sanocop.vn – Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn và các sàn giao dịch thương mại điện tử hợp pháp khác. Các doanh nghiệp Bưu chính lớn tham gia hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp An Giang gồm: Bưu điện tỉnh An Giang; Bưu chính Viettel và tùy vào điều kiện thực tế và lượng hàng hoá có thể vận động các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát khác tham gia.

Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; phát triển giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử; góp phần đảm bảo vận chuyển cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ sàn thương mại điện tử xây dựng quy trình chuẩn như quy trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm bảo đảm cho sản phẩm lưu thông đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất. Song song đó, hỗ trợ sàn thương mại điện tử chứng nhận sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình xuất khẩu; cung cấp danh sách các hộ nông dân trồng nông sản cho các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ, hướng dẫn đưa sản phẩm lên giao dịch trên các sàn.

Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu nông sản đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản thông qua mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới”; cung cấp thông tin về sản phẩm và các thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước để thực hiện tuyên truyền đến người dân.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cung cấp thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, nuôi trồng; thời điểm thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; cung cấp thông tin, hỗ trợ xác nhận khung giá thu mua sản phẩm nông sản ổn định; xác nhận chủng loại và phẩm cấp sản phẩm nông sản cho sàn thương mại điện tử; cung cấp danh sách các hộ nông dân trồng nông sản cho các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ, hướng dẫn đưa sản phẩm lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử và phối hợp với sàn giới thiệu sản phẩm, nguyên liệu đầu vào cho hộ sản xuất nông nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tại địa phương.

Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh An Giang, Bưu chính Viettel An Giang phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử bằng nhiều hình thức khác nhau; xây dựng quy trình đóng gói – kết nối – giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật tác nghiệp cho hộ sản xuất nông nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn; thống nhất cách thức đóng gói, bảo quản, giao – nhận, bán hàng.

Đặc biệt, triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa uy tín trên sàn TMĐT để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy của khách hàng khi mua sản phẩm nông sản và nghiên cứu phương án, xây dựng mô hình vận hành sàn thương mại điện tử theo thương mại số, triển khai mô hình sàn trong sàn cho phép phục vụ các cụm dân cư, xã, huyện hoặc các cộng đồng, tập khách hàng riêng, đáp ứng nhu cầu của người dùng nông nghiệp, nông thôn và tối ưu hóa khả năng vận hành của sàn để đạt hiệu quả cao hơn.

Thuận Yến – Thùy Linh