Duy trì vai trò mạch máu của nền kinh tế, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, từ tháng 3 trở lại đây, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) chuyển hướng khai thác các chuyến bay chuyên chở hàng hóa trong nước và quốc tế, bảo đảm giao thương, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch.

Thắp tia hy vọng

Sáng 25/3, tại sân bay In-chơn (Hàn Quốc), khung cảnh vẫn vắng vẻ, quạnh hiu như hơn một tháng trở lại đây.

Quầy làm thủ tục trống rỗng, các cửa đón khách ngày nào từng tấp nập người xếp hàng giờ đây vắng lặng, chỉ có lác đác bóng dáng vài nhân viên phục vụ cùng thành viên phi hành đoàn các hãng bay, trái ngược hoàn toàn cảnh nhộn nhịp của một sân bay quốc tế hiện đại, đông đúc bậc nhất thế giới.

Vào lúc 9 giờ 30 phút cùng ngày, tàu bay Airbus A350 của VNA mang số hiệu VN6415 chở hàng thuần túy từ từ lăn bánh và cất cánh, nhen lên tia hy vọng, niềm vui và tự hào của hãng giữa khung cảnh ảm đạm, điêu đứng do đại dịch Covid-19 gây ra cho ngành hàng không.

Chiếc Airbus A350 mang số hiệu VN6415 - chuyến bay chở hàng thuần túy đầu tiên của VNA tới Hàn Quốc.Chiếc Airbus A350 mang số hiệu VN6415 - chuyến bay chở hàng thuần túy đầu tiên của VNA tới Hàn Quốc

Trong bối cảnh toàn bộ các đường bay chở khách quốc tế tạm dừng, các đường bay trong nước cũng giảm mạnh tần suất, việc mở ra đường bay cargo charter (chở hàng thuê chuyến) hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc thật sự là ý tưởng táo bạo, quyết đoán của lãnh đạo VNA và chi nhánh VNA tại Hàn Quốc, đóng góp một phần không nhỏ doanh thu cho hãng trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

Sau 20 ngày tạm dừng đường bay chở khách Hàn Quốc (từ ngày 5-3), các đơn vị của VNA đã nỗ lực để nhà chức trách Hàn Quốc hoàn thành cấp phép bay chở hàng chỉ trong ba ngày, cả hai chiều đều chở đầy hàng hóa, mỗi chiều gần 20 tấn. Theo kế hoạch từ nay đến hết tháng 4, VNA sẽ tiếp tục khai thác các chuyến bay chở hàng hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc bằng đội tàu bay thân rộng A350, B787 với tần suất ba chuyến/tuần, sản lượng ước tính khoảng 40 tấn/chuyến.

Việc khai thác hàng hóa hai chiều này sẽ góp phần thúc đẩy thông thương, ổn định kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong thời gian tới, chi nhánh VNA tại Hàn Quốc sẽ phối hợp tìm kiếm và vận chuyển các mặt hàng hỗ trợ cho việc phòng chống và điều trị dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 15-3, chuyến bay mang số hiệu VN9523 của VNA từ TP Hồ Chí Minh đã hạ cánh thành công xuống sân bay quốc tế Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc). Do nhu cầu lưu thông hàng hóa ngày càng tăng trong đợt bùng phát dịch Covid-19, sử dụng máy bay vận chuyển hàng hóa thuần túy thật sự là ý tưởng sáng tạo khi bảo đảm khai thác tối đa công suất hầm hàng.

Dự kiến, VNA sẽ khai thác ba chuyến bay mỗi tuần giữa TP Hồ Chí Minh và Thượng Hải từ ngày 15-3 đến 30-4, ước tính vận chuyển khoảng 40 tấn hàng hóa/ chuyến. Trong thời gian tới, VNA sẽ tiếp tục lên kế hoạch khai thác các chuyến bay chở hàng khác giữa Bắc Kinh, Thành Đô, Quảng Châu với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tối ưu hóa nguồn lực

Theo Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành, tại thị trường trong nước, dịch bệnh Covid-19 đã “kéo” hàng không chậm lại 3 đến 4 năm và làm cho tích lũy của 4, 5 năm trở lại đây coi như về 0.

Tần suất bay giảm mạnh đồng nghĩa với lượng máy bay phải “nằm đất” tại các sân bay tăng lên. Tính riêng 69 chiếc máy bay A321 đang biên chế, phí đỗ máy bay mà VNA đang phải chi trả khoảng hơn 3,3 tỷ đồng/tháng.

Trong số hàng chục máy bay của các hãng phải ngừng hoạt động, những máy bay thuê của nước ngoài là gánh nặng lớn nhất, theo tiết lộ mức tiền thuê một máy bay dao động từ 0,4 triệu đến 1 triệu USD/tháng. Để vận hành trong mùa dịch, các hãng hàng không đã phải chi một khoản không nhỏ cho quy trình khử trùng máy bay với nhiều cấp độ. Riêng đối với VNA, hãng phải chịu chi phí khử trùng, lau chùi vệ sinh máy bay trước mỗi chuyến với mức giá 3,2 triệu đồng/chiếc A321 và 6 triệu đồng/chiếc B787.

Chính vì vậy, những chuyến bay chở hàng này đã góp phần bảo đảm thông thương; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất, nhập khẩu hàng hóa; cải thiện đời sống xã hội của người lao động trong các khu công nghiệp và nhà máy lớn cũng như đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đại diện VNA tiết lộ, hàng hóa vận chuyển trên các chuyến bay chủ yếu là mặt hàng thông thường như may mặc, giày da, linh kiện điện tử (một số chuyến bay đi EU dự kiến trong tháng 4 chỉ vận chuyển hàng linh kiện điện tử và thành phẩm của Samsung).

Từ ngày 12 đến 31-3 vừa qua, VNA đã triển khai 45 chuyến bay chuyên chở hàng hóa từ hai thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và Thái-lan. Các chuyến bay chở hàng được khai thác chủ yếu bằng máy bay thân rộng cỡ lớn như Boeing 787-9, Airbus A350 với sản lượng đạt từ 20 đến 25 tấn/chiều, tương đương hệ số sử dụng tải đạt từ 95% đến 100%.

Đây là những chuyến bay chở hàng thuần túy đầu tiên của VNA, không có hành khách, không có tiếp viên; tổ lái được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cần thiết; toàn bộ hầm hàng cũng được khử trùng ngay sau khi khai thác.

Bên cạnh hàng hóa phục vụ nền kinh tế và đời sống xã hội, các chuyến bay chở hàng của VNA còn vận chuyển hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 gồm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang thiết bị, vật tư y tế. VNA đã hỗ trợ vận chuyển miễn cước lô hàng hơn ba tấn của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm bộ đồ bảo hộ y tế đặc chủng, khẩu trang y tế từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội và vận chuyển 10 máy thở do Quỹ Temasek viện trợ từ Xin-ga-po.

Theo tính toán, trung bình các chuyến bay chở hàng hóa thuê chuyến vận chuyển từ 16 đến 20 tấn/chuyến/chiều (hệ số sử dụng tải từ 95% đến 100%), hầu hết khai thác bằng tàu bay cỡ lớn Boeing B787.

Hiện nay, VNA đang yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp, xây dựng và triển khai hướng dẫn về khai thác, phục vụ hàng hóa trên khoang hành khách của máy bay A321/B787/A350. Dự kiến, sau khi được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, sẽ đưa vào khai thác ngay trong những ngày đầu tháng 4.

Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành cho biết, trong tháng 4 này, hãng tiếp tục tập trung vận chuyển hàng hóa, dự kiến khai thác khoảng 150 chuyến bay chở hàng giữa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và từ Nha Trang, Cần Thơ đi Hà Nội. Trên đường bay quốc tế, VNA khai thác hơn 130 chuyến bay chở hàng đi Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), đi Đông - Nam Á (Thái-lan, Xin-ga-po), đi châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Nga) và Ô-xtrây-li-a.

Hãng đang tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh lĩnh vực vận chuyển hàng hóa từ nay đến cuối năm nhằm góp phần củng cố nền kinh tế - xã hội của đất nước, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Tuấn Phong