Những nhiệm vụ trọng tâm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,61% so với tháng trước (cao nhất trong 7 năm qua) và CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so bình quân cùng kỳ 2017; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,35% so bình quân cùng kỳ. Trong khi tỷ giá trung tâm, Chỉ số giá USD tháng 6 tăng 0,46% so với tháng 12/2017.

Về tổng thể, ngược với năm qua, áp lực lạm phát tăng trong khi chỉ tiêu mức độ kiểm soát đặt ra cả năm 2018 (dưới 4%) lại thấp hơn năm trước (dưới 5%). Bởi vậy, yêu cầu kiểm soát lạm phát đang và sẽ tiếp tục trở thành nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong nửa cuối năm.

Áp lực lạm phát: Chủ động điều hành - Hình 1

Lạm phát bật tăng trong quý II/2018

TS. Nguyễn Minh Phong nêu rõ, theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan và cần nghiêm túc triển khai đồng bộ; phối hợp làm tốt những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Trước hết, cần chủ động theo dõi, bám sát sát diễn biến tình hình trong nước, khu vực và quốc tế phản ứng chính sách kịp thời; điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp; không tăng giá điện trong năm nay; chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục nếu điều kiện cho phép vào thời điểm phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn. Theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, cân đối cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối, xăng dầu, vật liệu xây dựng...

Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, hướng mạnh tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục cơ cấu lại thu - chi NSNN, cơ cấu lại nợ công; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu đối với các hoạt động chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, thu hồi nợ đọng thuế.

Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm giảm chi phí sản xuất và tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường tiêu dùng trong nước trên cơ sở bảo đảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế và cải cách hành chính; tăng cường công tác dự báo thời tiết và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường quản lý tài nguyên; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ phá rừng…

Bộ ngành cùng vào cuộc

Để bảo đảm kiểm soát các mặt hàng giá cả, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì nên tăng theo lộ trình, với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, giá BOT đã ổn định cho các loại phương tiện sau khi bộ rà soát, quyết toán các trạm. Lĩnh vực vận tải, 6 tháng đầu năm có tín hiệu tốt là khối lượng vận tải tăng (hành khách tăng 10,4%, hàng hóa tăng 9,7%), nhưng vẫn giữ chi phí vận tải ổn định do Bộ đã quyết liệt tái cơ cấu lĩnh vực vận tải. Đối với giá vé hàng không, Bộ đã chỉ đạo Cục Hàng không ổn định giá cả trong bối cảnh xăng dầu thế giới tăng và tỷ giá biến động. Nếu xăng dầu tăng quá mức, thì chỉ đạo các hãng tăng giá vé nhẹ.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cho rằng, Bộ GTVT cần rút kinh nghiệm, xem xét lại cách điều hành giá vé hàng không trong thời gian qua, không để thời điểm điều chỉnh giá vé trong lúc người dân đi lại nhiều và đưa nội dung điều chỉnh giá vé hàng không, vé xe bus vào phương án kiểm soát giá của Bộ.

Liên quan tới giá thịt lợn, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần thận trọng trong việc tái đàn ồ ạt vì sẽ làm người nuôi thua thiệt. Bộ phải tính toán, điều hành cung - cầu thịt lợn từ nay tới cuối năm, bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng, giá cho từng tháng như các mặt hàng khác. Bộ cần có báo cáo riêng về điều hành giá thịt lợn.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, ngay trong năm 2018, tiếp tục tổ chức đấu thầu ở Bộ Y tế, BHXH Việt Nam để giảm giá các mặt hàng thuốc chữa bệnh, vật tư y tế… Về các loại giá liên quan tới thị trường, các bộ, ngành điều hành thông qua dự báo sát với cung - cầu, có tính toán tới các ảnh hưởng của thiên tai.

“Với mặt hàng xăng dầu, chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường, tăng cường sử dụng Quỹ bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu. Bộ Công thương xây dựng Đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Hoan Nguyễn