Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm 2020, trong bối cảnh rất khó khăn do dịch bệnh COVID - 19, nền kinh tế nước ta vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Ước thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vẫn có 5 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường. Với mục tiêu tổng quát là tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững… Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 6,7%.

Nhằm phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2021, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo, ngày 24/11/2020, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, có ba điểm tựa để phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam: Thứ nhất là sản xuất và xuất khẩu chính là động lực duy trì tăng trưởng dương cho nền kinh tế. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới với các đối tác truyền thống sẽ tiếp tục là nền tảng tốt cho xuất khẩu Việt Nam trong năm 2021. Thứ hai là đầu tư công nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh do điều hành quyết liệt hơn và khung khổ pháp lý rõ ràng hơn. Thứ ba là đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

 T.Nguyên