Nhiều lợi thế về vị trí địa lý cùng các tiềm năng sẵn có
Theo đó, trong tham luận tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định: Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển vùng Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng. Trong số các chủ trương, giải pháp phát triển vùng đó, có chủ trương về hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Đây là một chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ, đóng vai trò làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của cả Vùng và cả nước.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho rằng, với vị trí nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000: 250.000 tấn (6.000-24.000 TEU) hoặc lớn hơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của vùng Đông Nam bộ”.
Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm như: Đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, đường vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu, hệ thống giao thông liên cảng, sẽ hình thành hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa: Hệ thống cảng Thị Vải, Cái Mép - Trung tâm logistics Cái Mép Hạ - Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh - Các trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đô thị trong vùng Đông Nam bộ; đồng thời kết nối vùng Đông Nam bộ với các vùng khác trên cả nước, với các quốc gia trong hành lang kinh tế xuyên Á và với các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và toàn thế giới,...
Cùng với đó, vị trí địa lý và các tiềm năng, lợi thế tự nhiên của Bà Rịa – Vũng Tàu được sự hỗ trợ của vùng Đông Nam bộ, nơi đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam... Các yếu tố này chính là nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng và bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Và đây cũng là lý do Bộ Chính trị thống nhất chủ trương chọn Cái Mép Hạ để thiết lập mô hình khu thương mại tự do để tạo động lực mới phát triển vùng Đông Nam bộ.
Chủ động phát triển khu thương mại tự do
Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian vừa qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistic Cái Mép Hạ với diện tích 1.686,73ha, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng; phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối Vùng Đông Nam bộ; đặc biệt là kết nối hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trung tâm tài chính quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm công nghiệp, đô thị trong vùng.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ khẩn trương xác định vị trí, quy mô khu thương mại tự do; giao cơ quan chuyên môn xác định cụ thể diện tích, địa điểm xây dựng khu thương mại tự do với toạ độ địa lý, ranh giới cụ thể, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với nhu cầu sử dụng đất và mặt nước tại khu vực.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và các địa phương trong vùng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ, kết nối khu thương mại tự do Cái Mép Hạ với hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp, khu kinh tế, các đô thị phát triển trong vùng Đông Nam bộ và cả nước, trong hành lang kinh tế xuyên Á.
Minh An (T/h)