Nắm bắt làn sóng đầu tư FDI, nhiều doanh nghiệp cơ khí đã chuyển hướng sang lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hoá, góp phần nâng cao năng suất và trở thành một đơn vị hỗ trợ cung cấp linh kiện cho tập đoàn nước ngoài. Từ đơn hàng ban đầu chỉ vài tỷ đồng, đến nay một số doanh nghiệp đã ký được đơn hàng lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo chia sẻ của những doanh nghiệp này, ngoài có thêm nguồn thu, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô thì khi cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp FDI họ “mở mang” được nhiều kiến thức, học tập cách quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, nắm bắt xu hướng thị trường, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, trước đòi hỏi của đối tác, doanh nghiệp địa phương từng bước nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, chủ động cơ cấu lại doanh nghiệp, sản xuất những sản phẩm đáp ứng dây chuyền vận hành công nghệ cao.
Như vậy, doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI song hạn chế vẫn là quy mô còn nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ, hợp tác lâu dài với doanh nghiệp FDI.
Về vấn đề này, ông Đinh Hồng Quân, Chủ tịch Hội các doanh nghiệp Cơ khí tỉnh Bắc Giang đề xuất, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, cơ quan chức năng nên phối hợp tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp cơ khí của tỉnh với doanh nghiệp FDI. Thông qua đó, hai bên nắm được nhu cầu, khả năng của nhau, mở ra cơ hội hợp tác bền chặt, lâu dài. Còn bản thân các doanh nghiệp cơ khí cần tăng cường kết nối, lan tỏa lẫn nhau; tự đổi mới chính mình, mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại, nâng tầm doanh nghiệp để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp FDI phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh với các doanh nhiệp nhỏ và vừa; đồng thời trợ giúp doanh nghiệp bản địa nâng cao năng lực quản trị, mang tư duy toàn cầu về tiêu chuẩn, thị trường, công nghệ, nhân lực… mới có thể liên kết với doanh nghiệp FDI.
Bá Đoàn