Phụ nữ dân tộc Dao, xã Tuấn Mậu (Sơn Động, Bắc Giang) gắn bó với mảnh vườn
Toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 15 nghìn hộ nghèo là người DTTS, chiếm 35,96% tổng số hộ nghèo của tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS còn thấp cả về thể lực và trí lực; trình độ nhận thức cũng như kỹ năng làm việc, lao động sản xuất của cán bộ cơ sở và người dân còn hạn chế.
Các cơ sở hạ tầng ở giao thông, thủy lợi khu vực này chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Chỉ tính riêng các huyện miền núi, vùng cao, tỉnh Bắc Giang có tới 148 công trình ngầm tràn, cầu qua suối, hồ đập xuống cấp, hư hỏng cần được tu sửa, nâng cấp, cải tạo; hơn 60% kênh mương nội đồng chưa được cứng hóa khiến người dân khó khăn trong sản xuất, giao lưu trao đổi buôn bán.
Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi trâu, bò tại xã Phong Minh, Phong Vân (Lục Ngạn); nuôi dê ở Bảo Sơn (Lục Nam), Nghĩa Hồ (Lục Ngạn), Đồng Vương (Yên Thế); trồng cây ăn quả ở nhiều xã của huyện Lục Ngạn và Sơn Động.
Trong thời gian tới, bằng các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số song song với đó, các cấp, các ngành tỉnh Bắc Giang cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn vốn cũng như chất lượng các công trình, hạng mục đầu tư.
Các chương trình đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Loan