Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - Mai Sơn phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - Mai Sơn phát biểu tại hội nghị.

Chiều 06/12, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị thông tin báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2023. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - Mai Sơn chủ trì hội nghị. Tại hội nghị ông Lê Tuấn Phú – Chánh văn phòng UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024.

Báo cáo nêu rõ: Với tinh thần nỗ lực phục hồi nhanh, phát triển kinh tế bền vững, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023, tạo bứt phá cho thực hiện thắng lợi các mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, UBND tỉnh đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; chỉ đạo triển khai quyết liệt, bài bản, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn, tập trung xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh; nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc, nhiệm vụ ngày càng nhiều và nặng nề hơn.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội; sự nỗ lực, quyết liệt và sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành và chính quyền các cấp; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN); tình hình KTXH năm 2023 tiếp tục đạt được kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực; tiềm lực, vị thế, uy tín của Tỉnh ngày càng được nâng lên. Có 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; trong đó có 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 07 chỉ tiêu vượt kế hoạch; có 01 chỉ tiêu không hoàn thành

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tiếp tục là điểm sáng trong “bức tranh” tăng trưởng của cả nước, cả năm ước đạt 13,45% đứng đầu cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 17,3% (công nghiệp tăng 18,6%, xây dựng tăng 6,8%); nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,6%; dịch vụ tăng 6,6%; thuế sản phẩm tăng 7,1%. Quy mô GRDP được mở rộng; giá trị cả năm (giá hiện hành) ước đạt 181,9 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 7,6 tỷ USD), vượt 0,3% kế hoạch (đứng thứ 12 cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 3.950 USD, tăng 10%, vượt 3% kế hoạch (đứng thứ 23 cả nước). Cơ cấu kinh tế dịch chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; trong đó Công nghiệp - xây dựng chiếm 65,7%, tăng 2,7% (Công nghiệp chiếm 58,8%, tăng 3,2%; xây dựng chiếm 6,9%, giảm 0,5%); dịch vụ (bao gồm cả thuế sản phẩm) chiếm 21,3%, giảm 1%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 13%, giảm 1,7% so với năm 2022.

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 31,5%, tăng 2% so với năm 2022. Năng suất lao động xã hội tăng 12,5%, đạt 182,6 triệu đồng/lao động (theo giá hiện hành), vượt 5% kế hoạch đề ra. Ngành dịch vụ là ngành có tốc độ tăng năng suất cao nhất với mức tăng 15,9%; lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,4%; công nghiệp – xây dựng tăng 11,2%.

Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư, nhất là những khó khăn về vốn, thị trường, lưu thông hàng hóa, thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng thiếu điện sản xuất tại các KCN…; quan tâm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), hạ tầng giao thông kết nối và các hạ tầng phụ trợ khác. Các ngành sản xuất tiếp tục đà phục hồi, sản lượng và đơn hàng mới nhóm công nghiệp chế biến chế tạo đang tăng trở lại, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng ngành. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm dự kiến tăng 20,2%. Các sản phẩm công nghiệp chính có mức tăng mạnh.

Giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp (giá hiện hành) cả năm ước đạt 541.169 tỷ đồng, vượt 6,6% kế hoạch. Khu vực DN FDI vẫn là khu vực đóng góp chính vào phát triển công nghiệp của tỉnh; GTSX khu vực này đạt hơn 439.178 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2022, chiếm 81% GTSX công nghiệp toàn tỉnh; GTSX khu vực DN ngoài nhà nước đạt 90.949 tỷ đồng, tăng 46%, chiếm 17%; khu vực DN nhà nước đạt 11.042 tỷ đồng, tăng 7,4%, chiếm 2% so với năm 2022.

Sản xuất công nghiệp chủ yếu tại các KCN với nhiều DN lớn như Luxshare, Fuhong, Hosiden, Siflex, Hana Micron, Newwing, Fuyu của Tập đoàn Foxconn… Đến nay, trong các KCN có 474 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 73 DN so với năm 2022 trong đó 424 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất và kinh doanh. Tổng giá trị sản xuất của các DN trong KCN năm 2023 ước đạt 453.000 tỷ đồng (chiếm 84%). Ước đến hết năm, có 195.000 lao động làm việc tại các KCN (tạo việc làm mới cho khoảng 10.000 lao động); trong đó, lao động địa phương chiếm khoảng 69%; lao động nước ngoài là 7100 người; thu nhập bình quân của người lao động khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở các địa phương đều tăng trên 10% so với năm 2022, trong đó một số địa phương có mức tăng cao, như: Hiệp Hòa tăng 29,26%, Thành phố Bắc Giang 23,67%, Lạng Giang 22,84%. Huyện Việt Yên là địa phương sản xuất công nghiệp lớn nhất tỉnh, chiếm tới 78% GTSX toàn tỉnh, tăng 3% năm 2022; Thành phố Bắc Giang đứng thứ 2, chiếm 9,7%, tăng 0,8%; tiếp đến là Yên Dũng, chiếm 3,6%, giảm 0,8%, Hiệp Hòa 2,4%, bằng cùng kỳ; Lạng Giang 2,3%, tăng 0,4%, các huyện còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ, đều dưới 1%.

Năm 2024 tỉnh Bắc Giang phấn đấu tốc độ GRDP đạt 14,5%, trong đó Công nghiệp - Xây dựng tăng 18,3%; dịch vụ tăng 7,2%, Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,5%; thuế sản phẩm tăng 8%...vv

Bá Đoàn

.