Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu sở, cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý; triển khai thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm đúng đối tượng, nguyên tắc, chính sách được quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm về việc thực hiện không đúng quy định về tinh giản biên chế.

Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị tiến hành rà soát, dự kiến kế hoạch tinh giản biên chế năm sau liền kề, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong dự toán ngân sách nhà nước của năm sau liền kề cùng thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, báo cáo Sở Nội vụ thẩm định danh sách, gửi Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí; chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu trong dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm sau liền kề.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt (gửi Sở Tài chính, Sở Nội vụ) trước ngày 15 hàng tháng; thực hiện giải quyết tinh giản biên chế và chi trả chính sách cho từng đối tượng sau khi có quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh; thiết lập, quản lý và lưu trữ hồ sơ của các đối tượng tinh giản biên chế do sở, cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý.

Sở Nội vụ hướng dẫn các sở, cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm, thiết lập hồ sơ, xác định đối tượng tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm của các sở, cơ quan, đơn vị, địa phương, xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế năm sau liền kề trình UBND tỉnh theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định danh sách tinh giản biên chế hàng tháng, gửi Sở Tài chính và Bảo hiểm xã hội tỉnh làm căn cứ thẩm định kinh phí thực hiện chính sách, quá trình đóng bảo hiểm xã hội của đối tượng; trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách trước ngày 25 hàng tháng; tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế hàng năm gửi Bộ Nội vụ trước ngày 15/2 hàng năm theo quy định.

Ngoài ra, Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm hoặc có văn bản phê bình, nhắc nhở đối với người đứng đầu sở, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đề nghị giải quyết chính sách tinh giản biên chế không bảo đảm theo quy định.

Sở Tài chính hướng dẫn các sở, cơ quan, đơn vị, địa phương xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định; căn cứ dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế của các sở, cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo, cùng với danh sách Sở Nội vụ thẩm định, tổng hợp xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương trong dự toán ngân sách nhà nước của năm sau liền kề trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.

Đồng thời, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Bảo hiểm xã hội tỉnh thẩm định kinh phí thực hiện tinh giản biên chế hàng tháng của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo danh sách đã được Sở Nội vụ thẩm định; tổng hợp kết quả, kinh phí thực hiện tinh giản biên chế hàng năm gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/2 hàng năm theo quy định; bảo đảm cân đối ngân sách địa phương trong trường hợp HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ thêm đối với đối tượng tinh giản biên chế (nếu có).

Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định quá trình đóng bảo hiểm xã hội của các đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế; tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc giải quyết chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội đối với đối tượng tinh giản biên chế theo quy định.

Bá Đoàn