Triển vọng lớn để sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Bắc Kạn có triển vọng lớn để sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các lợi thế đó là đất sạch, nước sạch, không khí sạch, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước; trình độ canh tác, sản xuất phù hợp.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 155 sản phẩm OCOP, chủ yếu là hàng nông, lâm sản. Nhờ Chương trình OCOP mà mỗi loại cây trồng, vật nuôi quen thuộc, đơn giản được chế biến thành sản phẩm thực phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường. Đã qua dần việc sản xuất “tự sản, tự tiêu”, người dân trong tỉnh đã và đang hướng tới một nền sản xuất hàng hóa lớn mạnh.
Các sản phẩm nông sản của tỉnh tuy chưa có nhiều nhãn hàng sản xuất hữu cơ nhưng hầu hết được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận ATTP… Điều quan trọng nhất là ý thức của người dân đã được nâng cao trong sản xuất hàng nông sản. Họ đã hiểu sản phẩm làm ra phải an toàn; sản phẩm có thương hiệu thì việc bán hàng mới thuận lợi và ngược lại, làm ẩu, chất lượng kém sẽ bị tẩy chay.
Để khuyến khích, tạo bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã chủ trương coi sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến hàng thực phẩm nông sản là hướng đi chủ đạo. Tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, mở ra hướng đi mới trong công tác quy hoạch, phát triển sản xuất, góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Các mô hình, dự án hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng mở rộng về quy mô và diện tích. Các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đã ý thức cao xây dựng mô hình sản xuất nông sản an toàn theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung có quy mô lớn. Sự liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông sản an toàn ngày càng chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến chế biến, tiêu thụ gắn với yêu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm có mức tiêu thụ rất lớn như: Miến dong Tài Hoan; Cucumin Trịnh Năng, Bắc Hà; bún khô Hồng Luân; rượu Bằng Phúc; rượu Nà Hai; cơm cháy Nông Hồng Quyên…
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử
Có thể nói, thương mại điện tử đã không còn là khái niệm xa lạ và đang được các doanh nghiệp tại Bắc Kạn quan tâm, đầu tư. Trước xu thế tất yếu khách quan này các doanh nghiệp, HTX tại Bắc Kạn đã chủ động thay đổi, thích ứng nhanh chóng và bước đầu có chỗ đứng cho các các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ nhiều đơn vị xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm và giao dịch mua bán trên phạm vi rộng hơn, hiệu quả hơn, chi phí tiết kiệm hơn; hỗ trợ một số đơn vị tham gia đề án xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng nhằm nâng cao khả năng ứng dụng thương mại điện tử và quản lý online đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng website thông tin giao dịch điện tử ngành Công thương để giới thiệu, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá, chào bán sản phẩm của tỉnh.
Một số sản phẩm nông sản như: Gạo bao thai, miến dong, gạo khẩu nua lếch, tinh bột nghệ, nano curcumin nghệ, bí xanh thơm, mơ chế biến... đã trở thành hàng hóa, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Bắc Kạn còn có sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan xuất khẩu sang châu Âu.
Hà Trần