Logistics là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển dịch vụ logistics không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, làm cho quá trình sản xuất kinh doanh tinh giản và hiệu quả hơn mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bắc Ninh nơi hội tụ nhiều khu công nghiệp (KCN) tập trung lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó hoạt động xuất, nhập khẩu, hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra rất năng động, nên có thế mạnh để phát triển ngành logistics.
Đến nay, Bắc Ninh thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào tỉnh như: Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), ABB (Thuỵ Điển), gần đây là dự án Amkor (Hàn Quốc)... Với việc hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư, Bắc Ninh tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn. Phát huy lợi thế đó, cùng với hoàn thiện hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hiện đại, Bắc Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, phát triển trung tâm logistics, cảng cạn ICD, kết nối giao thông đến các KCN.
Trong các KCN hiện thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn kinh doanh về dịch vụ logistics như Mapletree, Linfox,… Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics đã và đang triển khai vận chuyển container bằng sà lan kết nối hàng hoá với cảng biển Hải Phòng thông qua các cảng trên sông Đuống như: Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ (ICD TCQV), Cảng Dabaco, Cảng Tri Phương…
Việc phát triển dịch vụ logistics trong các KCN Bắc Ninh đã trở thành một ngành đem lại giá trị gia tăng cao, tạo động lực để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, gắn với phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, việc sử dụng dịch vụ sà lan và làm thủ tục thông quan, giao nhận hàng hóa tại cảng sông gần nhà máy còn giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất do thời gian giao nhận ngắn hơn, giảm rủi ro đối với hàng hoá. Theo tính toán, khi sử dụng dịch vụ sà lan và giao nhận container khách hàng có thể tiết kiệm được tối thiểu khoảng 15% đến 20% tổng chi phí logistics (tuỳ thuộc loại hàng hoá, tuyến đường kết nối từ ICD TCQV đến các nhà máy).
Tiếp tục phát huy tiềm năng về dịch vụ logistics, thời gian tới Bắc Ninh sẽ khai thực hiện các dự án xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa, kho bãi... đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, đồng thời báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải để công bố hoạt động theo quy định nhằm tạo chuỗi cung ứng, phát triển dịch vụ logistics, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp KCN trong việc lưu thông hàng hóa, làm thủ tục hải quan.
Trong đó sẽ triển khai quy hoạch các cảng cạn gắn với các khu, cụm công nghiệp theo Quyết định số 28/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2010 đến 2020, tầm nhìn 2030”, bao gồm: Cảng Bắc Ninh 1 tại KCN Quế Võ, quy mô 10 ha; Cảng Đức Long (Quế Võ) quy mô 25 ha; Cảng Đông Phong tại KCN Yên Phong, quy mô 15 ha,...
Đồng thời triển khai các cảng: Cảng ICD Phong Khê (100 ha), Cảng ICD Châu Phong (100 ha): Cảng cạn Tiên Sơn (12 ha), Cảng cạn Yên Phong (15 - 20 ha), Cảng Cạn Quế Võ (15 - 20 ha).… theo Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống Cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics bảo đảm hoạt động vận tải, xếp dỡ, đóng gói, lưu kho và các thủ tục hải quan tại các KCN không chỉ thúc đẩy các ngành sản xuất dịch vụ, mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp, gia tăng hàng hóa thông qua khu vực phía Bắc, mà còn đưa Bắc Ninh tiến gần với biển kết nối với khu vực, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào địa bàn.
Bá Đoàn