Cần sự công tâm
Để rõ hơn sự việc, PV báo Thương hiệu và Công luận đã có buổi thực địa và trao đổi với ông Nguyễn Văn Thính cho biết: Năm 1996, gia đình tôi được UBND huyện Quế Võ cấp cho 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 169 (ngày 26/12/1996) với diện tích 402m2, trong đó 200m2 đất ở và 202m2 đất vườn. Cùng thời gian đó, gia đình nhà ông Nguyễn Trọng Tạ là hộ liền kề với gia đình tôi cũng được UBND huyện Quế Võ cấp 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 129 (ngày 26/12/1996) với diện tích 620m2, trong đó 200m2 đất ở và 420m2 đất vườn. Quá trình kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1996 cả hai gia đình cùng ký giáp ranh theo hiện trạng và sử dụng ổn định.
Trụ sở Toà án Nhân Dân tỉnh Bắc Ninh
Năm 2003, UBND xã Nam Sơn tiến hành đo đạc khảo sát xác định ranh giới thửa đất, gia đình tôi hoàn toàn không được biết. Vì vậy, tôi cũng không hề biết diện tích đất của nhà ông Tạ tăng giảm bao nhiêu và cũng không ký giáp ranh.
Đến năm 2011, dựa vào số liệu đo đạc năm 2003. Thửa đất nhà ông Tạ tách ra làm 2 thửa (thửa số 67 có DT 644m2, thửa số 94 có DT 129m2) như vậy thửa đất nhà ông Tạ đã tăng lên “đột biến” thành 773m2. Còn hiện trạng ban đầu là 620m2.
Tuy nhiên, ngày 30/10/2018, Tòa án nhân dân TP. Bắc Ninh đã có bản án số 25/2018/DS-ST tranh chấp quyền sử dụng đất. Chủ tọa phiên tòa - ông Lương Trọng Thinh đã ký.
Trong bản án có nêu rõ phần tranh chấp giữa 2 hộ là 13,12m2 chứ không phải là 15,9m2 như ông Tạ kiện. Nhưng kết quả đo đạc tại hiện trạng hai thửa đất là 10,5m2. Tuy nhiên, tại kết quả đo đạc cũng nêu rõ: Phần đất tranh chấp không có bất cứ công trình nào trên đó. Biên bản thẩm định tại chỗ 17/10/2017 với sự có mặt của đầy đủ cơ quan tư pháp, cùng chính quyền địa phương,khẳng định trên phần đất tranh chấp không có công trình nào nằm trên đất.
Hơn nữa, thực tế PV xuống thực địa 2 thửa đất đang tranh chấp đó và ghi nhận một thực tế rất rõ và nó tồn tại từ khi phân chia ranh giới giữa 2 hộ. Mà sự phân chia ấy được thể hiện bằng bức tường rào kiên cố do chính hộ ông Nguyễn Trọng Tạ xây lên.Vậy mà, khi hộ gia đình ông Thính xây nhà trên phần đất của mình, cách bức tường rào do ông Tạ xây khoảng 60cm. mà vẫn bị ông Tạ khởi kiện là ông Thính lấn sang phần đất của nhà ông Tạ.
Trước thực tế trên, ông Thính đã không đồng tình với bản án của Tòa Sơ thẩm nên kháng cáo lên Toàn Phúc Thẩm với hy vọng sự thật sẽ được làm rõ.
Nghiêm cấm Nhà báo không ghi âm, ghi hình!
Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, Nhà báo đã xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định với thư ký phiên tòa để đăng ký tác nghiệp. Tuy nhiên, 8h30 phút sáng ngày 25/3/2019, Phiên Tòa Phúc Thẩm do ông Nguyễn Thanh Bình- Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà đã được diễn ra công khai.
Ông Bình hỏi đương sự có đồng ý cho nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên toà? Tất cả các đương sự đều đồng ý cho ghi âm ghi hình. Nhưng riêng chủ toạ phiên tòa không đồng ý cho các nhà báo ghi âm ghi hình. Yêu cầu lực lượng hỗ trợ tư pháp nghiêm cấm nhà báo tác nghiệp.
Khi phiên tòa bắt đầu diễn ra, Nhà báo có cầm điện thoại trên tay. Vị Chủ tọa liền nói: “Đề nghị nhà báo không được tác nghiệp, các đồng chí an ninh tư pháp cần giám sát kỹ, nếu cố tình tác nghiệp, chúng tôi sẽ trục xuất ra khỏi hội đồng xét xử…!”
Đây là phiên tòa dân sự bình thường, xét xử công khai, vậy mà vị Chủ Tọa lại cấm nhà báo tác nghiệp?
Theo ông Nguyễn Trí Tuệ - phó chánh án TAND tối cao - cho rằng tại phiên tòa, báo chí tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, nếu phóng viên đáp ứng đủ điều kiện để theo dõi phiên tòa thì được tác nghiệp bình thường, nghĩa là có thể chụp hình, ghi âm, ghi hình, đưa tin.
Còn theo ông Đỗ Đức Vĩnh - kiểm sát viên cao cấp Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, trong phiên tòa xét xử công khai, mọi công dân đều có thể tham dự. Sự có mặt của báo chí là để tường thuật diễn biến phiên tòa nhưng cũng có phần thực hiện chức năng giám sát.
Trao đổi với Luật sư Lại Huy Phát – Trưởng đoàn luật sư Huy Phát cho biết: “Trong phiên tòa nếu bị cáo đề nghị báo chí không chụp hình nếu chưa có sự đồng ý của họ là chưa hiểu đúng về quyền nhân thân được quy định tại Hiến pháp và Bộ luật dân sự. Bởi bản thân bị cáo khi bị khởi tố, truy tố và xét xử đã bị hạn chế một số quyền chứ không còn đầy đủ như những công dân khác.
Như vậy khi các phóng viên thực hiện đúng theo các tiêu chí của Luật báo chí và Điều 3 Thông tư 02/2017 của chánh án TAND Tối cao , Điều 256 BLTTHS 2015 Quy chế tổ chức phiên tòa thì được tác nghiệp tại phiên tòa.
Trong trường Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa xét xử công khai là cản trở sự hoạt động bình thường đưa tin của cơ quan báo chí, có dấu hiệu vi phạm luật báo chí 2016 và Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…”
Tại điểm D khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ 01.01.2017 quy định: “ Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng người tham gia tố tụng để lấy tin,
Tại điểm D khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ 01.01.2017 quy định: “ Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.”
Lộ diện sự thật
Chủ tọa phiên tòa tiếp tục phiên xét xử. Mở đầu là Luật sư đại diện cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thính trình bày: Ông Thính kháng cáo toàn bộ nội dung bản án cấp sơ thẩm. Điểm thứ 1 là: diện tích ông Tạ khởi kiện ông Thính lấn chiếm diệntích 13,12m2 là không có căn cứ. Bên cạnh đó, biên bản thẩm định tại chỗ 17/10/2017 với sự có mặt của đầy đủ cơ quan tư pháp, cùng chính quyền địa phương và hai hộ ông Thính và ông Tạ. Tại biên bản này đều khẳng định trên phần đất tranh chấp này không có công trình nào nằm trên đất. Luật sư nhấn mạnh, đây là căn cứ quan trọng nhất để khẳng định ông Thính không lấn chiếm.
Hiện trạng bức tường do ông Tạ tự xây ngăn cách giữa hộ ông Tạ và ông Thính. Cửa sổ nhà ông Tạ mở ra sang hết phần đất nhà ông Thính.
Điểm thứ 2: căn cứ vào lời khai của các bên đều xác định danh giới trước đây của 2 nhà có 1 bức tường xi măng cát do nhà ông Tạ xây dựng năm 1986 - 1987, đến hôm nay mốc giới này vẫn còn ở 2 đầu.
Điểm thứ 3: lời khai của các bên khi xây nhà,ông Tạ xây nhà trước và bỏ lại phần tiếp giáp do bị méo để lấy được hướng nhà.
Điểm thứ 4: Kết quả đo đạc do Toà án Thành phố tổ chức đo hiện trạng cũng như bản đồ xác định phần đất tranh chấp là 10,5m2, nhưng bản án sơ thẩm số 25 ngày 30/10/2018, toà sơ thẩm lại tuyên nhà ông Thính phải trả ông Tạ 13,12m2 là hoàn toàn không có căn cứ.
Bên cạnh đó, ông Thính đã có phản tố, căn cứ vào đo đạc hiện trạng và up lên bản đồ thì: Phần mốc giới và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND thành phố cấp cho gia đình ông Tạ trùm lên nhà ông Thính phía bên ngoài là hơn 6cm. Mốcgiới hiện nay vẫn còn, nhưng việc cấp giấy chứng nhận lại vượt qua cả mốc danh giới này là cấp giấy chứng nhận cho ông Tạ nằm đè lên đất của nhà ông Thính. Như vậy là không đúng quy định pháp luật, đề nghị huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Tạ.
Trước những căn cứ không thể chối cãi của luật sư đưa ra, Chủ tọa hỏi Ông Tạ có ý kiến gì không? Ông Tạ đều “ấp úng” không thể trả lời.
Luật sư xin tiếp tục được hỏi ông Tạ: Bức tường đá ông tự xây dựng từ ngày xưa thì nay còn không? ông Tạ trả lời: nay vẫn còn đó. Khi Toà đo đạc thì ai là người chỉ danh giới? ông Tạ nói: cả 2 hộ tôi và ông Thính đều chỉ. Phần đất theo ông nói, ông trừ lại thì đã bao giờ ông sử dung chưa? Ông Tạ nói: có sử dụng.
Luật sư hỏi: Có bao giờ ông Thính không cho ông sử dụngkhông? trả lời là không. Tại phiên toà ông có chứng minh đượclà ông Thính không cho ông sử dụng không? Ông Tạ nói: không.
Luật sư hỏi tiếp vậy trên diện tích này không có công trình gì của ông Thính tại sao lại bảo ông Thính lấn chiếm của nhà ông Tạ? ông Tạ nói: bây giờ ông Thính xây giáp với nhà tôi nên tôi đòi lại.
Luật sư hỏi: Phần đất thừa, ranh giới giữa 2 nhà: phía trước ngày xưa là ai xây dựng? Ông Tạ trả lời là tôi xây, năm 1989.
Tất cả sự việc liên quan đến việc tranh chấp diện tích giữa hai hộ mà ông Tạ khởi kiện đều được luật sư hỏi và ông đã trả lời rõ tất cả. Vậy căn cứ vào đâu để ông nói ông Thính lấn chiếm đất nhà ông? Trong khi bức tường vạch định ranh giới giữa hai hộ là do chính ông Tạ xây.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị dừng phiên Toà
Trước những câu hỏi của luật sư đưa ra, ông Tạ đã trả lời rất rõ sự việc. Lúc này, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã hỏi Ông Tạ:
VKS: Ông mượn đất năm nào:
Ông Tạ: năm 1987
VKS: Năm nào bán cho ông?
Ông Tạ: năm 1987
VKS:Ông nộp tiền đất năm nào?
Ông Tạ: Tôi không đủ tiền nên nộp nhiều lần.
VKS: Đến năm bao nhiêu ông xin phần đất nữa?
Ông Tạ: bán luôn một lần
Trước việc trả lời của ông Tạ, đại diện VKS hỏi: Theo báo cáo của UBND xã Nam Sơn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông đã được tiếp cận tài liệu đúng không?
Ông Tạ: Vâng!
VKS: Trong báo cáo xã Nam Sơn nêu: năm 1987, ông mượn đất, năm 1990 thôn để ông nộp tiền đất, năm 1990-1993 diện tích 312m2 đất, nhưng sau đấy đến tận ngày 20/8/1990 xã mới tiếp tục cho chuyển đổi một phần đất, vậy ông có khai man?
Ông Tạ: tôi không khai man.
-VKS:Thế ông có biên bản giao đất không?
Ông Tạ: có biên bản giao lần 1 tôi mượn năm 1987
VKS: là bao nhiêu mét vuông đất?
Ông Tạ: lúc đó là 312m2
VKS: Lần 2 là bao nhiêu?
Ông Tạ: 611m2
VKS: Ngày 25/8/1990, Ban quản lý ruộng đất xã giao cho ông 611m2. vậy lý do tại sao giao cho ông 611m2, thì lại thành 620m2 đất là sao?
Ông Tạ: tôi nói với xã rồi, tôi không tự tay đo, không có thước dây đo.
VKS: Thế biên bản giao đất cho ông là 611m và khi cấp giấy chứng nhận là 620m đúng không?
Ông Tạ : Vâng !
VKS: Thế giữa 2 lần mà chênh lệch nhau ông lại không ý kiếngì à?
Ông Tạ: Tôi không quan tâm gì đến việc đó cả.
VKS: Hiện nay phần tranh chấp giữa ông và ông Thính có tài sản gì trên đó không?
Ông Tạ : Không, nhà tôi không mở được cửa sổ.
VKS: Lý do sao không mở được cửa?
Ông Tạ: vì nhà ông Thính cho 3 cái que chọc vào không mở được.
VKS: Vậy ông đã yêu cầu ông Thính tháo dỡ đi chưa?
Ông Tạ: có chứ tôi đề nghị nhiều rồi.
VKS: Tại biên bản xem xét thẩm định của Toà án thành phố trên phần diện tích tranh chấp này không có tài sản gì.
Và theo báo cáo của UBND xã Nam Sơn: hiện nay diện tích ông được giao 611m2, trong khi đó trình tự, thủ tục cấp đất, giấy chứng nhận, thời điểm UBND xã Nam Sơn bàn giao huyện Quế Võ là hồ sơ cấp sơ thẩm không thu thập chưa đầy đủ đúng không?
Ông Tạ: Vâng.
VKS: do vậy căn cứ cấp giấy chứng nhận gốc ban đầu của ông là không có trong hồ sơ hiện nay ông hiểu chưa? mà chỉ có hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận UBND thành phố cấp cho ông khi xã Nam Sơn chuyển về TP.Bắc Ninh đúng không?
Ông Tạ : Vâng!
VKS: Tại phiên toà hôm nay ông Thính tiếp tục yêu cầu huỷ giấy chứng nhận của ông, một trong những căn cứ để xem xét, chúng ta phải xem xét cái gốc ban đầu cấp cho ông năm 1996, mà hiện nay hồ sơ ban đầu là không có mà chỉ có cấp đổi năm 2011 thôi.
Ông Tạ: Tôi không quan tâm. Tôi chỉ biết ngày xưa sổ đỏ có 2 mảnh đất: mảnh thứ nhất 480m2, mảnh thứ 2 là 620m2.
Sau khi đại diện VKS hỏi ông Tạ xong đã quay về phía ông Thính hỏi:
Ông Tạ trình bày trong khe giữa 2 nhà có 3 thanh sắt ở cửa đúng không?
Đại diện cho ông Thính, Luật sư trả lời: 3 thanh sắt tôi đã đến xem, giữa 2 nhà có khoảng cách 60cm chạy dài khoảng 20m song song với nhau, phía đầu nhà ông Tạ là đầu nhọn của tam giác vuông, vậy nên nó sẽ không có 1 cm nào hết vì nhà ông Tạ đã kịch hết đất rồi, vị trí ông mở cửa sổ lại là đang nằm trênphần đất của nhà ông Thính, vì vậy,ông Tạ không mở cửa được là đúng. Biên bản xem xét của Toà đã khẳng định là diện tích tranh chấp không có tài sản gì. Phần cửa sổ nhà ông Tạ đang mở ra là phần đất của nhà ông Thính.
Lúc này, đại diện VKS nói: Trong hồ sơ gốc cấp đất của nhà ông Tạ năm 1996 là không có. thứ 2 phần đất tranh chấp tại phiên toà các đương sự trình bày cần phải xem xét lại. Do vậy, đề nghị hội đồng xét xử tạm ngừng phiên Tòa để thu thập thêm tài liệu liên quan tới trình tự thủ tục cấp đất của ông Tạ năm 1996 do UBND huyện Quế Võ cấp.
Trước đề nghị của đại diện VKS, hội đồng xét xử hỏi ý kiến của hai bên đều thống nhất dừng phiên tòa. Sau khi hội ý, hội đồng xét xử quyết định dừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ. Tất cả người dân đang trông chờ vào một bản án công minh tại phiên tòa phúc thẩm.
Cao Huyền