Tỉnh Bắc Ninh chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Samsung triển khai các chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, đạt nhiều kết quả tích cực.
Hiện tỉnh Bắc Ninh có 39 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung với 5 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1; 17 doanh nghiệp cung ứng cấp 2; 17 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vật tư tiêu hao. Nhiều doanh nghiệp ưu tú của Bắc Ninh được nhận “kinh nghiệm 50 năm sản xuất” của Samsung thông qua hoạt động tư vấn chuyên sâu và hệ thống, mở ra cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và cả nước.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Ninh được Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ký kết thực hiện từ tháng 9/2020. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Bắc Ninh vào giá trị sản xuất công nghiệp do Samsung tạo ra tăng lên hàng năm, thông qua việc thực hiện các Chương trình tư vấn và phát triển nhà cung ứng. Qua đó, mang lại kết quả tích cực, năng lực sản xuất được nâng lên, góp phần quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Tập đoàn Samsung.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia vào Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam của Tập đoàn Samsung, sau khi cải tiến xong hiện trường sản xuất, Công ty TNHH Nhựa An Lập (Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn) tiếp tục tham gia dự án xây dựng mô hình “Nhà máy thông minh” để có bước phát triển xa hơn. Sau một thời gian triển khai, cải tiến, mô hình này giúp doanh nghiệp từng bước nâng cấp và đồng bộ hệ thống quản lý, đem lại thuận lợi cho công nhân trực tiếp sản xuất và cán bộ quản lý.
Theo lãnh đạo Công ty thì việc tham gia vào dự án cải tiến doanh nghiệp, xây dựng “nhà máy thông minh” đạt được nhiều kết quả tích cực cả về diện mạo cũng như hiệu quả sản xuất. Không chỉ đem lại những tín hiệu phục hồi tích cực cho doanh nghiệp, mà độ chuyên nghiệp, chính xác trong các khâu sản xuất cũng giúp công ty tiếp cận dễ hơn các đối tác khách hàng và thị trường mới.
Sau 4 năm triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh giữa UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Công thương và Tổ hợp Samsung Việt Nam, các nội dung hỗ trợ đã nâng cao năng lực sản xuất, góp phần quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh xuất khẩu sản phẩm và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Samsung. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao như hiện nay, việc phối hợp với Tập đoàn Samsung nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nội địa là điều cần thiết.
Với triết lý kinh doanh đồng thịnh vượng, Samsung luôn kiên định mục tiêu cùng phát triển với doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh cũng như doanh nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chi phí lưu thông hàng hóa ngày càng tăng cao, khiến cho môi trường về mua bán hàng hóa có sự thay đổi rõ rệt. Do đó, Samsung đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa với những nguyên vật liệu cần phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đây cũng chính là phương án đối ứng với sự biến đổi của môi trường mua, bán hàng hóa. Ngoài ra, Samsung luôn nỗ lực triển khai các dự án hỗ trợ cũng như chuyển giao kinh nghiệm liên quan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong đó có doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh.
Đến cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh có 375 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 2.587 tỷ đồng, tăng 18,7% về số lượng và 29,3% vốn so cùng kỳ năm 2023; có 79 lượt doanh nghiệp thông báo giải thể và 111 lượt doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng trong 8 tháng năm 2024 đạt 99,89%, đứng thứ 6 cả nước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2.622 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12,15% so cùng kỳ năm 2023, với tổng số vốn đăng ký hơn 30.100 tỷ đồng, tăng 31,4% so cùng kỳ năm 2023; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,5 tỷ đồng. Cùng với đó, có 739 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại (tăng 9% so cùng kỳ 2023). |
Phát triển nhà máy thông minh là xu thế tất yếu cho các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao như hiện nay, Đối với các doanh nghiệp đã và đang tham gia chương trình cần duy trì thường xuyên việc cải tiến, từng bước nâng cao hơn nữa mức độ nhà máy thông minh và phấn đấu trở thành nhà cung ứng của Samsung. Có thể khẳng định, việc thúc đẩy các chương trình hợp tác, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đang mang lại tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, của tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mà còn giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bá Đoàn