Bài 1: Công ty CP Mía đường Sơn La - “danh sách đen” gây ô nhiễm

THCL Tại Kết luận số 403/KLTTr-TCMT, ngày 06/04/2015 do Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến ký, có nêu: Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Sơn La (địa chỉ tại Tổ 6, phường Chiềng Lề, đường Lò Văn Giá, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của UBND tỉnh Sơn La.

Bệnh viện YHCT tỉnh Sơn La

Gây ô nhiễm nghiêm trọng

Trước đó, Quyết định số 1537/QĐ-TCMT ngày 01/12/2014 của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) ban hành về việc thanh tra, kiểm tra tình hình và xử lý ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Sơn La (trong đó có Bệnh viện YHCT tỉnh Sơn La) và việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT).

Ngày 06/04/2015, Tổng cục trưởng Tổng Cục môi trường Bùi Cách Tuyến ký ban hành Kết luận số 403/KLTTr-TCMT kết luận thanh tra về BVMT đối với Bệnh viện YHCT tỉnh Sơn La, như sau:

Tại thời điểm thanh tra, bệnh viện chưa lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để theo quy định.

Bệnh viện là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của UBND tỉnh Sơn La. Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh, bệnh viện đã lập dự án “Đầu tư hệ thống xử lý chất thải”, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng chính thức từ tháng 7/2013, gồm các hạng mục: lò đốt chất thải rắn công suất 35 kg/mẻ 03 giờ và hệ thống thu gom, xử lý nước thải công suất 150m3/ngày.

Bệnh viện được Sở TN&MT phê duyệt đề án BVMT cho quá trình hoạt động của đơn vị tại Quyết định số 100/QĐ-STNMT ngày 10/11/2008; thực hiện quan trắc môi trường định kỳ 02 lần/2014, nhưng không đầy đủ về tần suất 01 tháng/lần đối với môi trường nước theo đề án BVMT đã được phê duyệt, đã được Sở TN&MT xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của Dự án xử lý chất thải lỏng; đã được Sở TN&MT cấp sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại số 14.000008.Tx (điều chỉnh lần 1), ngày 27/09/2014; đã báo cáo tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại định kỳ 02 lần/năm, nhưng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh ghi trong báo cáo không phù hợp với thực tế phát sinh chất thải tại bệnh viện (theo báo cáo, lượng chất thải nguy hại phát sinh năm 2014 là 622 kg, tuy nhiên theo giao nhận sổ chất thải nguy hại giữa các khoa phòng là 744 kg).

Trong quá trình thực hiện, bệnh viện phát sinh các loại chất thải:

Về chất thải rắn: Chất thải sinh hoạt thông thường phát sinh tại bệnh viện khoảng 1.375 kg/tháng, được hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị thành phố Sơn La vận chuyển và xử lý. Bệnh viện không có khu vực lưu trữ chất thải thông thường theo quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Về chất thải rắn y tế: Nguy hại phát sinh tại bệnh viện khoảng 62 kg/tháng. Trước tháng 7/2013, toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh được chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La xử lý, là đơn vị không có giấy phép quản lý chất thải theo quy định.

Về nước thải: Kiểm tra thực tế hệ thống xử lý cho thấy, tại hố ga gom nước thải trước hệ thống xử lý có bố trí một ống thoát với đường kính khoảng 200 cm từ hố gom này vào ống dẫn nước thải sau hệ thống xử lý ra môi trường; không đúng với quy định của pháp luật về BVMT và không đúng với quy trình của hệ thống xử lý nước thải được phê duyệt trong đề án BVMT của bệnh viện.

Kết quả đo đạc và phân tích mẫu nước thải lấy tại hố ga thu gom nước thải đầu vào hệ thống xử lý nước thải tại bệnh viện, so sánh với QCVN 28:2010/BTNMT, cột B và QCVN 40:2010/BTNMT, cột B có COD = 280 mg/l, vượt 2,3 lần; Colifom = 75.000 MPN/100 ml, vượt 15 lần; Salmonella = 15 vi khuẩn/ 100 ml, vượt 15 lần; Shigella = 12 vi khuẩn/100 ml, vượt 12 lần; Vibriocholerae = 4 vi khuẩn/100 ml, vượt 4 lần.

Bệnh viện đã có khu vực lưu giữ chất thải nguy hại, tuy nhiên chất thải nguy hại chưa được quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế; không có khu vực lưu giữ chất thải thông thường theo quy định.

Bệnh viện đã được Sở TN&MT phê duyệt Đề án BVMT, đã thực hiện quan trắc môi trường định kỳ 02 lần/năm, tuy nhiên quan trắc thiếu thông số và không đầy đủ về tần suất theo Đề án BVMT đã được phê duyệt.

Trong quá trình hoạt động, bệnh viện có các tồn tại trong lĩnh vực BVMT: thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường; xây lắp không đúng công trình xử lý môi trường theo Đề án BVMT đã được phê duyệt; không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo chủng loại trong các bao bì chuyên dụng; chuyển giao chất thải nguy hại cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, là đơn vị không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại theo quy định; không có khu vực lưu giữ chất thải thông thường, chôn lấp tro của lò đốt chất thải không đúng quy định; lưu giữ chất thải y tế nguy hại quá 48 giờ trong trường hợp không có thiết bị bảo quản lạnh; báo cáo cơ quan chức năng không đúng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Yêu cầu bệnh viện khẩn trương lập hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để theo quy định; thực hiện nghiêm túc chương trình giám sát môi trường theo Đề án BVMT đã được phê duyệt; bố trí nơi lưu giữ chất thải sinh hoạt và chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.

Các công việc nêu trên, bệnh viện phải báo cáo tiến độ, lộ trình xử lý và kết quả thực hiện về Bộ TN&MT (thông qua Tổng cục môi trường) và Sở TN&MT, chậm nhất là ngày 31/7/2015 để được kiểm tra, giám sát.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Trả lời câu hỏi của PV về việc “trước tháng 7/2013, chất thải y tế nguy hại của Bệnh viện YHCT được xử lý như thế nào?”, bà  Đoàn Thị Hạnh, Trưởng phòng Hành chính Quản trị bệnh viện này cho biết: “Từ 7/2013 trở về trước, bệnh viện chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại (bông, băng, kim tiêm…), do để ở đây không bảo đảm môi trường nên chúng tôi nhờ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La xử lý (đốt) giúp. Lãnh đạo hai bệnh viện làm việc với nhau trên tinh thần hợp tác, Sở Y tế cũng can thiệp – giúp giải quyết việc này. Khi đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường vào kiểm tra đưa vấn đề này ra xử lý thì phía bệnh viện cũng đã giải trình là thực tế trong cả tỉnh không có đơn vị nào có giấy phép hoạt động thiêu đốt chất thải nguy hại, bệnh viện không biết hợp đồng ở đâu. Chúng tôi nhờ Bệnh viện Đa khoa tỉnh - đó là giải pháp tình thế bắt buộc, vì nếu để ở đây thì nhà chứa cũng đầy và càng nguy hại hơn”.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La) cho biết: “Từ trước đến nay, số chất thải hàng ngày của Bệnh viện Đa khoa ở các khoa chuyển về, họ giao và ký với chúng tôi, cân rồi đưa sang lò đốt. Không có một đơn vị bên ngoài nào hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La xử lý. Trong Kết luận của Thanh tra Tổng cục Môi trường có nêu là “chuyển chất thải nguy hại nhờ Bệnh viện Đa khoa xử lý”, tuy nhiên, chúng tôi không hề nhận chất thải nguy hại từ Bệnh viện YHCT”.

Vậy, số lượng chất thải nguy hại của Bệnh viện YHCT trước tháng 7/2013, thực chất được xử lý như thế nào? Vấn đề này cần được các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ.

Để có thêm thông tin liên quan đến việc Bệnh viện YHCT và một số đơn vị khác thực hiện tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tới đâu, chúng tôi đã liên hệ công tác, đặt lịch làm việc với Sở TN&MT, nhưng chưa nhận được sự phối hợp của sở này.

Hoan Nguyễn